Thị trường chứng khoán vẫn gặp khó về thanh khoản
Những diễn biến của thị trường chứng khoán cho thấy, ngưỡng 1.300 điểm là một thách thức rất lớn khi chưa có dòng tiền mới tham gia.
Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số VN-Index đang duy trì diễn biến đi ngang trong biên độ 1.260 - 1.300 điểm. Thanh khoản ghi nhận tăng nhẹ, nhưng vẫn ở dưới mức bình quân 20 tuần.
Điều này cho thấy, áp lực bán không lớn, nhưng bên mua cũng có phần chậm lại. Trong bối cảnh tuần đáo hạn phái sinh, diễn biến rung lắc xuất hiện cùng với sự chậm lại trong hoạt động mua bán là bình thường. Tuy vậy, về mặt xu hướng ngắn hạn, VN-Index chưa có nhiều thay đổi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn vừa qua, không có nhiều thông tin hỗ trợ với thị trường chứng khoán, ngoài một số doanh nghiệp đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III/2024.
Về bức tranh kinh doanh quý III/2024 và dự phóng kết quả kinh doanh cả năm 2024 của doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy, sự đột biến chưa xảy ra ở nhiều nhóm ngành quan trọng như sản xuất, bán lẻ, hay bất động sản.
Thay vào đó, động lực thị trường chủ yếu đến từ câu chuyện kỳ vọng chu kỳ hồi phục, hay mức định giá rẻ ở một vài nhóm ngành riêng lẻ như Ngân hàng.
Vì vậy, cũng dễ hiểu khi thị trường chưa vội vàng tăng mạnh ở ngay trước thời điểm cận kề của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, thị trường hiện tại đang trong vùng đi ngang, kèm sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành, diễn biến này có thể vẫn sẽ tiếp diễn nếu chưa có dòng tiền mới tham gia.
Sự phân hóa là điều hiển nhiên, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới vì hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khác biệt, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Việt Nam không hoàn toàn ảm đạm. Kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận các số liệu tích cực vượt mọi kỳ vọng, qua đó, tạo cơ sở cho thị trường chứng khoán có thể đạt các mốc cao hơn.
Về xu hướng vận động thời gian tới của VN-Index, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán HSC có quan điểm cho rằng, trong biên độ 1.260 - 1.300 điểm hiện tại, dòng tiền có thiên hướng co cụm tại các nhóm cổ phiếu có động lượng tăng giá tốt. Chính vì điều này, kỳ vọng mở rộng, lan tỏa của dòng tiền đang gặp hạn chế, trong đó nhóm vốn hóa vừa và nhỏ gần như chững lại.
Danh mục ngắn hạn có thể bị phân hóa mạnh về hiệu suất đầu tư, trong đó tỉ trọng nắm giữ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là rổ VN30 vẫn đang có lợi thế.
Tuy nhiên, với kỳ vọng VN-Index sau khi hoàn thành trạng thái tích lũy hiện tại sẽ bứt phá, vị thế mua mới được chú ý nhiều hơn tới nhóm vốn hóa vừa và nhỏ để đón đầu cơ hội khi độ rộng thị trường gia tăng, dòng tiền lan tỏa rộng giúp các nhóm này bước vào nhịp hồi phục.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, thị trường đang trong vùng nhạy cảm, nếu break 1.300 thành công, có thể mở nhịp tăng mới, nhưng ngược lại, có thể chịu áp lực một nhịp giảm khá.
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỉ trọng danh mục ở mức 50% cổ phiếu; tuyệt đối không sử dụng margin khi thị trường vẫn đang duy trì diễn biến đi ngang trong vùng 1.265 - 1.295 điểm từ giữa tháng 8 đến nay.
Nhà đầu tư trung dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để tiến hành mua vào các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng vào quý IV/2024 và năm 2024 như ngành ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu (dệt may, thủy sản).