• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GRDP Nghệ An 9 tháng ước tăng 7,5-8%, thu hút đầu tư có nhiều điểm sáng

Nghệ An ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP trong quý III có sự chuyển biến tích cực và cao hơn so với quý I và quý II.

GRDP Nghệ An 9 tháng ước tăng 7,5-8%, thu hút đầu tư có nhiều điểm sáng- Ảnh 1.

Sáng 25/9, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9/2024. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong quý III có sự chuyển biến tích cực và cao hơn so với quý I và quý II.

GRDP Nghệ An 9 tháng ước tăng 7,5-8%, thu hút đầu tư có nhiều điểm sáng- Ảnh 2.

Quang cảnh cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2024 (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An)

Dự kiến, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt khoảng 7,5-8%. Trong đó, khu vực nông nghiệp ước tăng 4-4,2%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 12,5-13,5%, khu vực dịch vụ tăng 5,8-6,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,7-7,2%); riêng tăng trưởng GRDP Quý III ước đạt khoảng 8,5%.

Về nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm 9 tháng ước đạt 264.821ha, bằng 99,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vụ Đông Xuân toàn tỉnh đạt 184.989ha, bằng 99,88%; vụ Hè Thu sơ bộ đạt 79.831ha, bằng 99%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2024 ước tăng 12,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, IIP ước tăng 10,64%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 5,98%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,97%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 18,56% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng tốt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 83.523 tỷ đồng, tăng 22,25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 89,81% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01% so với cùng kỳ, đạt 84,58% kế hoạch. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.690 triệu USD, tăng 73,51% so với cùng kỳ, đạt 112,67% kế hoạch.

Dự ước lượng khách du lịch đạt 8,43 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trú đạt 5,32 triệu lượt, tăng 14%; khách quốc tế đạt 84.200 lượt, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 26.244 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 10.217 tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 16.671 tỷ đồng, đạt 104,8% dự toán, bằng 143,2% cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 24.188 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán.

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 23/9/2024, tỉnh đã cấp mới cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư 96,34 tỷ đồng; điều chỉnh 7 lượt dự án, trong đó 2 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 7.191 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 58 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 18.739 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều chỉnh 119 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 30 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 16.802 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 35.541 tỷ đồng, bằng 85,02% cùng kỳ năm 2023.

Tính đến ngày 22/9/2024, đã có 1.533 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký thành lập 17.306 tỷ đồng, tăng 29,69%. Có 625 doanh nghiệp hoạt động trở lại, bằng 84,5% so với cùng kỳ.

Tổng kế hoạch đầu tư công tính đến ngày 20/9/2024 đã giải ngân 5.022 tỷ đồng, đạt 54,14%; trong đó, vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 2.322 tỷ đồng, đạt 48,09%. Có 8 huyện, thành, thị và 16 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện) đã giải ngân đạt khá (trên 60%).

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Lũy kế 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyệt Lượng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...