Công nghiệp điện tử kỳ vọng cán mốc 120 tỉ USD
Trong 10 tháng đầu năm, ngành công nghiệp điện tử đạt hơn 105 tỉ USD và với mức tăng trưởng 10% dự báo con số này cả năm sẽ đạt hơn 120 tỉ USD.
Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc xuất nhập khẩu hàng hóa (10 tháng đạt 647,91 tỉ USD, tăng 15,8%) thì trong cả năm 2024, khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc kỷ lục 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỉ USD vào năm 2022.
Dù kết quả xuất khẩu khả quan, song theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, doanh nghiệp Việt mới chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp khoảng 5 – 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và chưa thể tham gia được những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, phân phối.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước thường có quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, vốn để đầu tư cho thiết bị công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị, vận hành sản xuất đang còn yếu, đa số vẫn phải thuê người nước ngoài.
Trong khi đó, chính sách hỗ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định 111 nên còn hạn chế để phát triển. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới.
"Do đó, mong Luật Công nghiệp hỗ trợ sớm được ban hành để cho ngành, đặc biệt là công nghiệp điện tử phát triển, sớm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Hương nói.