• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải ngân chậm, hơn 1 triệu tỷ đồng nằm trong kho

Nửa đầu năm 2024, Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp nhằm chống thất thu thuế với điểm nhấn 32 triệu lượt người bị đòi nợ thuế. Cùng đó, do tốc độ giải ngân “rùa bò” vẫn còn tới hơn 1 triệu tỷ đồng nằm trong kho bạc khiến Bộ trưởng Tài chính rất sốt ruột.

Gần 32 triệu lượt người bị đòi nợ thuế

Tại hội nghị công tác tài chính - ngân sách nhà nước ngày 15/7, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng khoản thu ngân sách của cơ quan thuế quản lý đạt 865.350 tỷ đồng. Nhiều khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất. Có tới 54 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, chỉ có 9 địa phương giảm thu.

Giải ngân chậm, hơn 1 triệu tỷ đồng nằm trong kho- Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại cơ quan thuế. (Ảnh minh họa)

Chi NSNN ước đạt 800.000 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023. Bộ Tài chính miễn giảm khoảng 47.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí.

Nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách năm 2024, Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp chống thất thu thuế . Theo đó, cơ quan thuế đã ban hành gần 32 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế.

Giải ngân chậm, hơn 1 triệu tỷ đồng nằm trong kho- Ảnh 2.

Cần giải ngân 1 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Ảnh: Như Ý

Cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo đó, Tổng cục Thuế ban hành gần 174.500 quyết định cưỡng chế với các hình thức như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; cưỡng chế hóa đơn; kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Gần 632.000 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn bị cơ quan thuế “bêu tên”.

“Trong 6 tháng năm 2024, cơ quan thuế thu hồi gần 45.500 tỷ đồng tiền thuế nợ. Tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến ngày 30/6 hơn 200.000 tỷ đồng”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.

Một trong những giải pháp được cơ quan thuế đẩy mạnh là chống thất thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử. Nửa đầu năm 2024, nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong nước, tổng doanh thu quản lý 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, để chống thất thu thuế thương mại điện tử, Tổng cục Thuế nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế nhằm thu thập, làm giàu cơ sở dữ liệu. Từ tháng 1/2024, cơ quan thuế nâng cấp và triển khai công cụ rà quét thông tin các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Chi NSNN ước đạt 800.000 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán. Bộ Tài chính miễn giảm khoảng 47.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí.

Lãng phí

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, bên cạnh kết quả đạt được, ngành tài chính vẫn còn nhiều bất cập cần xử lý, nhất là tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong nửa đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công 1 đồng sẽ kéo theo vốn đầu tư xã hội 2 đồng. Vốn đầu tư công ách tắc sẽ tác động đến vốn đầu tư xã hội.

“Do chậm giải ngân, số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỷ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí. Thậm chí, nhiều địa phương không muốn thực hiện dự án vay vốn ODA do gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc cho biết.

Đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng phản ánh, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, một số lĩnh vực chi thường xuyên đạt thấp so với dự toán (sự nghiệp môi trường, kinh tế). Vướng mắc này do cơ quan, đơn vị, địa phương chậm phê duyệt dự toán chi tiết, triển khai thực hiện thủ tục đấu thầu.

Lý giải về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, bà Trương Thị Hương Bình - Giám đốc Sở Tài chính Đồng Nai cho biết, người dân không đồng tình về giá bồi thường của Nhà nước khiến việc bồi thường chậm, kéo theo chậm giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, dự án chuẩn bị đầu tư vướng mắc trong thẩm định đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy. Năng lực điều hành của nhà đầu tư, năng lực đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế hạn chế khiến gói thầu tư vấn chậm trễ, còn nhiều sai sót.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các đơn vị trong ngành tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc đưa giải pháp để khơi thông lĩnh vực bất động sản. Hiện nay, tiền nợ sử dụng đất gần 100.000 tỷ đồng, gây thất thu ngân sách, không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội mà còn tạo ra lãng phí nguồn lực doanh nghiệp. Nhằm xử lý tình trạng này, Bộ Tài chính đang đề xuất, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới có quyết định giao đất.

Theo Ngọc Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...