Ngân hàng sẻ chia lợi nhuận, dồn lực đẩy vốn ra nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, ngành ngân hàng vẫn nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, đưa vốn ra nền kinh tế hiệu quả, tăng trưởng tốt.
Nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế
Dù cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng đến hiện tại ông Hoàng Xuân Hùng - chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn và vận tải ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng, vẫn đang dồn mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả và đưa doanh nghiệp làm ăn có lãi trở lại.
Ông Hùng là một trong số 94.000 khách của ngành ngân hàng chịu thiệt hại do bão số 3, tất cả tài sản gồm xe điện, nhà hàng, lồng bè nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp ông Hùng đều bị cơn bão phá hoại. Dù dư nợ vay của ông Hùng không lớn, nhưng sau cơn bão, ông Hùng được Agribank chi nhánh Đồ Sơn, Hải Phòng động viên, giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ các thủ tục nếu như ông Hùng cần vay thêm vốn mới.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngành ngân hàng hết sức chia sẻ với các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng sẽ giảm vào lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Trong nước dù vẫn còn có khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các địa phương phía Bắc nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát phù hợp và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 9 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023.
Năm nay là năm đầu tiên NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Thậm chí, kể từ ngày 28.8.2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.
Tại Agribank, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, từ đầu năm đến nay, Agribank đã đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Trong đó, gói tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản, chế biến, nhập khẩu nguyên phụ liệu. Gói này có quy mô 20.000 tỉ đồng có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng.
Agribank cũng triển khai gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, với lãi suất giảm 0,5 - 1,5% cho những khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.
Thông qua chương trình Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ở TPHCM, hệ thống Agribank trên địa bàn đã cho vay hơn 990 tỉ đồng đối với 1.347 khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng cho vay nhiều hơn huy động
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, không có chuyện tiền huy động của người dân nằm trong ngân hàng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, bơm vốn ra nền kinh tế, ngân hàng huy động bao nhiêu, cho vay bấy nhiêu, thậm chí cho vay nhiều hơn, xén vào vốn chủ sở hữu của các ngân hàng.
Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho biết: Tính bình quân trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân chỉ đạt 0,48%/tháng, thấp hơn đáng kể so tỉ lệ tăng trưởng bình quân hằng tháng cùng kì của năm 2023 (0,64%/tháng) cũng như năm 2022 (1,57%/tháng) và năm 2021 (0,97%/tháng). Tuy nhiên, trong tháng 9 và tuần cuối cùng của tháng 8, tín dụng tăng 2,37%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng bình quân của 8 tháng đầu năm (hơn 0,8%/tháng).
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng thường xuyên là yếu tố thúc đẩy đến tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, PGS.TS Hùng cũng cho biết, "hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và sát với diễn biến của thị trường, Chính phủ cần tiếp tục chú trọng đến những chính sách hỗ trợ các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao tính an toàn và hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thông qua nhiều chính sách vĩ mô".