• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu trước những lối rẽ

Châu Âu tiếp tục chứng tỏ là khu vực chuyển biến sôi động và khó lường nhất trên thế giới hiện tại về nhiều phương diện.

Châu Âu trước những lối rẽ

Ông Rishi Sunak phát biểu từ chức Thủ tướng Anh bên ngoài số 10 phố Downing, London, ngày 5.7.2024. Ảnh: Xinhua

Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraina, nhưng đồng thời còn là diễn biến tình hình chính trị - xã hội, kinh tế và an ninh nội bộ ở các quốc gia châu Âu. Cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn ở Pháp và Anh vừa là những diễn biến thời sự mới nhất làm cho cả châu lục bị khuấy động thêm mạnh mẽ.

Cả Thủ tướng Anh Rishi Sunak thuộc Đảng Bảo thủ Anh lẫn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã đi nước cờ sai lầm khi quyết định giải tán quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.

Nhìn vào nước Anh và nước Pháp cùng với vào một số quốc gia châu Âu khác nữa có thể thấy được một thực trạng và chiều hướng diễn biến tình hình là phe cánh cầm quyền ở các nơi đều phải lần lượt theo nhau trả giá cho thời kỳ cầm quyền của họ. Phe cầm quyền dường như làm ngơ hoặc không lưu ý thỏa đáng đúng mức tới chuyển biến chính trị - xã hội nội bộ, tức là cứ dần xa rời thêm thực tại cụ thể ở các nơi.

Châu Âu nói chung hiện có nhiều vấn đề cần được giải quyết cấp thiết nhưng lại vẫn thiếu vắng ý tưởng giải pháp. Tình hình tăng trưởng kinh tế chung của cả châu lục vẫn bi quan nhiều hơn là lạc quan. Vấn đề người di cư và tị nạn vẫn chưa được giải quyết cơ bản và ổn thỏa. Chuyện xung đột Ukraina, quan hệ với Nga và Trung Quốc, chuyện ủng hộ Ukraina vẫn làm các nước trong châu lục phân bè, chia phái.

EU tiếp tục thất thế và rạn nứt nội bộ. Tình hình như vậy thuận lợi và thích hợp chưa từng thấy cho các lực lượng, đảng phái, liên minh chính trị cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ và liên tiếp thắng thế ở nhiều nơi trên châu lục, đặc biệt ở Pháp, Đức, Hà Lan hay Italy.

Châu Âu hiện tại không những chỉ trực diện cuộc khủng hoảng chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng nghiêm trọng nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh mà còn cả khủng hoảng về hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục. Ở phía sau ấy thấp thoáng cuộc khủng hoảng về mô hình phát triển chung và hệ giá trị chung cho châu lục. Về cơ bản có thể thấy các cấu trúc và thể chế chung cho cả châu lục về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng đã đổ vỡ hoặc đang dần mất tác dụng. Châu Âu chưa định hình được trật tự cho thời mới trên mọi phương diện nên sẽ còn tiếp tục hỗn độn như hiện tại. Điều này cũng còn có nghĩa là các quốc gia châu Âu sẽ còn phải tiếp tục bận rộn với chính mình thêm thời gian nữa thì rồi may ra mới có thể khôi phục và tăng cường được vai trò chính trị thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết