Trung Quốc có một công nghệ siêu phàm đến nỗi phải giấu kín vì sợ có người biết mình "giỏi nhất thế giới"
Trong Top500, người Mỹ đang đứng nhất. Thế nhưng nếu Trung Quốc nộp hồ sơ, kết quả có lẽ sẽ khác.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã cùng nhau hợp tác phát triển trong lĩnh vực siêu máy tính, những cỗ máy có kích thước bằng sân tennis, đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện trí tuệ nhân tạo, phát triển vắc-xin và dự báo bão.
Nhưng theo WSJ, các nhà khoa học Trung Quốc gần đây đã trở nên khép kín hơn trước sự cản trở về tiến bộ công nghệ đến từ Mỹ. Họ đã quyết định ngừng tham gia vào diễn đàn siêu máy tính quốc tế nổi tiếng.
Việc rút lui này đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và tạo ra sự chia rẽ mà các nhà khoa học phương Tây cho rằng sẽ làm chậm sự phát triển của AI và các công nghệ khác khi các quốc gia theo đuổi các dự án riêng biệt.
Việc Trung Quốc bỗng nhiên rút lui vào phát triển bí mật cũng khiến Mỹ khó trả lời câu hỏi mà họ cho là thiết yếu đối với an ninh quốc gia: Mỹ hay Trung Quốc, ai có siêu máy tính nhanh hơn?
Một số học giả đã tự săn lùng manh mối về tiến trình siêu máy tính của Trung Quốc để trả lời câu hỏi này.
Siêu máy tính đã trở thành trọng tâm trong Chiến tranh Lạnh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vì quốc gia có siêu máy tính nhanh hơn có thể nắm giữ lợi thế trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và các công nghệ quân sự khác.
"Nếu đối thủ có thể sử dụng siêu máy tính để mô phỏng và phát triển máy bay chiến đấu hoặc vũ khí tốt hơn máy bay của bạn 20% hoặc thậm chí 1% về tầm bắn, tốc độ và độ chính xác, thì trước tiên họ sẽ nhắm vào bạn và sau đó là chiếu tướng", Jimmy Goodrich, cố vấn cấp cao về phân tích công nghệ tại Rand Corp cho biết.
Trung Quốc gần đây đã ngừng tham gia diễn đàn Top500, nơi xếp hạng 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Trong khi bảng xếp hạng mới nhất, được công bố vào tháng 6, cho biết ba máy tính nhanh nhất thế giới nằm ở Mỹ, thì thực tế có lẽ lại khác.
"Người Trung Quốc có máy tính nhanh hơn", Jack Dongarra, đồng sáng lập Top500, cho biết. "Chỉ là họ không nộp kết quả".
Các siêu máy tính nhanh nhất hiện nay được cung cấp năng lượng bởi hàng chục nghìn chip máy tính tiên tiến. Một động thái của Mỹ năm 2015 đã hạn chế quyền truy cập của các nhà phát triển siêu máy tính Trung Quốc vào chip Intel và nhiều phần cứng khác.
Dongarra và các nhà phân tích nghiên cứu về Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh lo ngại Mỹ có thể làm nhiều hơn thế nếu Trung Quốc khoe khoang về khả năng siêu máy tính của mình.
Họ cho biết Trung Quốc sẽ khó có thể duy trì vị thế dẫn đầu trong siêu máy tính nếu không có chip tiên tiến, nhiều chip trong số đó do Nvidia, công ty hàng đầu ở Thung lũng Silicon, sản xuất.
Nếu không có những chip này, Trung Quốc sẽ phải sử dụng giải pháp thay thế bằng cách kết nối hàng trăm nghìn chip thế hệ cũ vốn rất ngốn điện.
Sự trỗi dậy của siêu máy tính Trung Quốc
Siêu máy tính có nguồn gốc từ những năm 1960, khi các cơ quan chính phủ Mỹ bắt đầu thiết kế các cỗ máy tính toán để xử lý đồng thời lượng dữ liệu khổng lồ nhằm giải quyết các vấn đề theo cách mà các máy tính thông thường không thể theo kịp. Các mục đích đó vẫn duy trì đến ngày nay, bao gồm mô phỏng vụ nổ vũ khí hạt nhân, mô hình hóa khí hậu và giải quyết các vấn đề khoa học lớn khác.
Top500 ra đời vào năm 1993 khi Dongarra, một giáo sư tại Đại học Tennessee, cùng các đồng nghiệp người Đức phân phối một bài toán cho các siêu máy tính, sau đó xếp hạng các máy theo thời gian chúng giải quyết bài toán.
Việc tham gia danh sách luôn là tự nguyện. Dongarra ước tính có khoảng 50 siêu máy tính, bao gồm cả những siêu máy tính do các cơ quan tình báo hoặc công ty tư nhân sở hữu, sẽ lọt vào Top500 nếu chủ sở hữu của chúng nộp dữ liệu.
Trong hơn hai thập kỷ, máy tính của Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng được công bố hai lần một năm. Nhưng đến tháng 11 năm 2017, Trung Quốc đã có 202 máy tính trong danh sách, so với 143 máy tính của Mỹ.
Năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa năm tổ chức có siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen, nói rằng họ sử dụng siêu máy tính cho mục đích quân sự và hạt nhân. Các lệnh trừng phạt cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho các tổ chức đó mà không có giấy phép.
"Đó là một bước ngoặt lớn", Dongarra nói. Sự tham gia vào danh sách đã giảm dần. Khi ông hỏi các đồng nghiệp Trung Quốc lý do, họ nói rằng họ không được phép gửi thông tin, Dongarra nhớ lại. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng giảm lượng dữ liệu mà họ chia sẻ trong các diễn đàn khoa học khác.
Chính phủ Trung Quốc và các quan chức khoa học đã không lên tiếng bình luận trước thông tin này.
Siêu máy tính của ai tốt hơn?
Về mặt chính thức, máy tính nhanh nhất trong Top500 nằm tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge do Bộ Năng lượng Mỹ tài trợ. Được gọi là Frontier, siêu máy tính này có kích thước bằng hai sân tennis, chi phí thiết lập là 600 triệu USD và có hóa đơn tiền điện khoảng 20 triệu USD một năm, bên trong được tích hợp hàng chục nghìn chip máy tính.
Dongarra không nghĩ Frontier thực sự là siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Các bài báo khoa học cho rằng một số máy của Trung Quốc còn tốt hơn. Một trong số đó được biết đến là Tianhe-3, trong khi máy còn lại là mô hình trong loạt siêu máy tính Sunway.
Một bài báo khoa học được nộp vào năm ngoái cho Giải thưởng Gordon Bell—về cơ bản là giải Oscar của siêu máy tính—mô tả siêu máy tính Sunway có 39 triệu lõi. Con số này gấp bốn lần số lõi mà Frontier có. Kết hợp với các manh mối khác, số liệu thống kê chỉ ra rằng máy Sunway có thể mạnh hơn Frontier.
Trung Quốc có một danh sách các máy tính hiệu suất cao tốt nhất được gọi là HPC Top100. Tuy nhiên, Dongarra tin rằng danh sách này đã không thêm vào các siêu máy tính hàng đầu của Trung Quốc.
Bên cạnh việc đọc các báo cáo, Dongarra cố gắng xác nhận các thông số kỹ thuật theo cách truyền thống hơn như tham dự các bài thuyết trình của các nhà khoa học Trung Quốc tại các hội nghị và đặt nhiều câu hỏi sau đó.
"Khi tôi trao đổi với họ, rõ ràng là họ có một cỗ máy như vậy", ông nói, ám chỉ đến những chiếc máy tính mà ông tin là thực sự nhanh nhất thế giới.
Theo Mạnh Kiên