Việt Nam xếp hạng 6/6 mặt bằng Quản trị Công ty khối ASEAN
Quản trị Công ty mang tính chất sống còn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phát triển bền vững.
Sáng 29.11, tại Trụ sở Báo Đầu tư, Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7) “Đầu tư vào Quản trị Công ty: Chiến lược Thu hút Nhà đầu tư có trách nhiệm trong Xu thế Quốc tế hoá Thị trường” đã được diễn ra với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và sự đồng hành của UBCKNN.
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Quản trị Công ty (QTCT) tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về QTCT ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng.
Phát biểu tại Diễn dàn AF7, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định: "Trong xu thế thị trường được quốc tế hóa, các quỹ đầu tư quốc tế và các nhà đầu tư cá nhân là người nước ngoài đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp cam kết thực thi QTCT tốt và minh bạch, QTCT được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.
Mục tiêu nâng hạng thị trường nhằm hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có trách nhiệm không chỉ mang tính thời sự, hiện nay, nó đã trở thành xu hướng bắt buộc bởi nâng hạng thị trường nhưng phải thu hút được vốn đầu tư nước ngoài", Tổng Biên tập Báo Đầu tư nói thêm.
QTCT (yếu tố G) gắn với ESG giờ đây đã trở thành một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin đối với thị trường, các nhà cung cấp, và là công cụ đo lường hành động và cam kết của doanh nghiệp đối với tạo tác động tới môi trường (yếu tố E) và xã hội (yếu tố S). Đó cũng là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược Phát triển Bền vững.
Với chủ đề diễn đàn thường niên lần thứ 6 năm 2023 "Khơi thông dòng tài chính xanh bằng quản trị xanh" đã nêu rõ quản trị xanh không chỉ là màu xanh của thiên nhiên, cây cỏ mà đây còn là màu xanh của tương lai. Các tác động tích cực của các doanh nghiệp đã được đo lường, định hướng và phát triển, còn các tác động tiêu cực thì cần phải giảm thiểu.
Chia sẻ về tầm quan trọng của nội dung diễn đàn qua từng năm, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết: "Với 5 diễn đàn thường niên đầu tiên, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng với Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đã tập trung thảo luận về vai trò, giá trị và cách thực hiện quản trị công ty. Các diễn đàn trước như một bước đệm nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng xã hội để đến năm 2023-2024 thay đổi hành động của các công ty, doanh nghiệp".
Diễn đàn năm nay đã đi sâu hơn vào chủ đề "Đầu tư vào quản trị công ty", được xem như là một hình thức đầu tư chiến lược để kiến tạo niềm tin cho hiện tại và tương lai, giúp doanh nghiệp bắt nhịp với quốc tế hóa, và có được sự tham gia sâu và rộng hơn của các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh những ý kiến chuyên gia, diễn đàn VIOD lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ các Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.
Tuy nhiên, mặt bằng QTCT của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN, và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm QTCT Đông Nam Á (ACGS).
Yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng QTCT cho Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu. Điều này cũng đã được nêu rõ trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29.12.2023.
Nhằm cải thiện thứ bậc của mặt bằng QTCT Việt Nam, ông Phan Lê Thành Long - Tổng Giám đốc, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) nhận định: "Trong kỳ đánh giá năm 2026, Việt Nam hướng tới cải thiện mức điểm dưới trung bình lên trung bình trong đánh giá Thẻ điểm QTCT Đông Nam Á (ACGS). Năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn đánh giá, thấp hơn so với kỳ đánh giá trước.
Các doanh nghiệp, công ty Việt Nam thường tập trung và thực hiện tốt tiêu chí tuân thủ, nhưng mảng điểm về tiêu chí thông lệ cần phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần để kéo thứ hạng 6/6 của mình".
Diễn đàn lần thứ 7 tiếp tục khẳng định cho sự kiện trì và kiên định của các tổ chức tài chính quốc tế tiên phong xây dựng khung quản trị công ty để đầu tư bền vững cho khu vực kinh tế tư nhân như IFC; sự tham gia của các tổ chức như IFC, Ủy ban Chứng khoán, SECO, cùng một định chế chuyên sâu, tiên phong, và độc lập như VIOD chuyên biệt về QTCT.
Bộ thẻ điểm VNCG50 được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về QTCT tại Việt Nam.