• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất tuổi nghỉ hưu 60 với nam, 55 với nữ: Tạo cơ hội cho lao động trẻ

Trước đề xuất tuổi nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi của 8 hiệp hội, ngành hàng, nhiều bạn đọc cho rằng việc này sẽ tạo cơ hội để lao động trẻ cống hiến, làm việc cho cơ quan, doanh nghiệp.

Đề xuất tuổi nghỉ hưu 60 với nam, 55 với nữ: Tạo cơ hội cho lao động trẻ

Đề xuất giảm tuổi hưu nhận được đông đảo sự đồng tình từ phía người lao động. Ảnh minh họa: Phương Ngân.

Mới đây, 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng. Cụ thể tuổi nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Điều kiện là người lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm. Lương hưu căn cứ theo tỉ lệ đóng.

Các đơn vị trên nhận định đa số lao động Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người đóng bảo hiểm xã hội từ sớm, thời gian đóng dài, mức đóng cao.

Song nữ tới 55 tuổi và nam đến 60 tuổi thì sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc làm cao.

Căn cứ Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi (thêm 4 tháng/năm cho tới năm 2035), nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi (thêm 3 tháng/năm cho tới năm 2028). Như vậy, nhiều người khó đảm bảo cuộc sống, cơ hội cho lao động trẻ có việc làm thấp hơn.

Đồng tình với đề xuất trên, bạn đọc Khanh Nguyễn viết: "Tuổi nghỉ hưu 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ phù hợp với điều kiện, môi trường và công nghệ của việt Nam trong giai đoạn 2023-2043. Thế hệ những người 6x-7x hầu hết đều làm việc với công nghệ, máy móc còn lạc hậu, dùng sức lao động là chính, môi trường làm việc độc hại...

Bây giờ tôi đã 58 tuổi, có 35 năm công tác tại cơ quan. Từ đầu năm 2023, sức khỏe tôi giảm đi nhiều, không có năng lượng làm việc, nên tôi đã xin nghỉ không lương. Tôi dự tính làm cố 2 năm nữa mà không biết có cố được không? Nếu tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi thì tôi còn hy vọng nhận được lương hưu chứ 62 tuổi thì lâu quá!".

Còn bạn đọc Nguyễn Nghĩa chia sẻ: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến về tuổi nghỉ hưu với nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi như báo nêu. Lao động các ngành như công nghệ thông tin liên tục phải cập nhật kiến thức. Trên thực tế, họ rất khó làm được việc này vì hạn chế tuổi tác và sức khỏe.

Do đó, sẽ xảy ra tình trạng "sáng cắp ô đi và chiều cắp ô về"; trong khi nguồn lao động trẻ, khỏe, năng động lại không có việc, phải cất bằng đi xin làm công nhân. Thậm chí, nhiều người có bằng đại học, nộp hồ sơ làm công nhân cũng không được nhận. Bởi các công ty, nhà máy cần lao động phổ thông, chi phí thuê rẻ hơn, dễ đào tạo, ít đòi hỏi hơn".

"Tôi đồng ý giảm tuổi hưu nam còn 60 tuổi. Đến tuổi 55, tôi bắt đầu xuất hiện đủ thứ bệnh. Nay 59 tuổi, thực tế tôi không làm được việc gì ra hồn cả. Đầu óc bắt đầu lúc nhớ, lúc quên. Đôi khi ăn rồi, mà còn tưởng chưa ăn. Ai khỏe mạnh, ai minh mẫn thì có thể về hưu ở tuổi 60, rồi ký hợp đồng làm việc tiếp.

Nếu doanh nghiệp, tổ chức thấy họ còn khả năng. Luật pháp không cấm chuyện này. Và số lượng người quá tuổi 60 làm tiếp không nhiều đến nỗi giành mất suất của người trẻ", bạn đọc Quang Hùng viết.

Ngoài đề xuất giảm tuổi hưu, 8 hiệp hội, ngành hàng cũng cho rằng mức đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng 25% là quá cao so với khu vực. Trong đó, người lao động đóng 8% và doanh nghiệp đóng 17%. Như vậy, mức này cao hơn rất nhiều so với Malaysia (13%), Philippines (10%), Indonesia (8%)...

Do đó, cả 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội đối với cả hai phương án. Cụ thể, phương án 1 nên giảm tỉ lệ đóng của người lao động xuống 5%, doanh nghiệp chỉ đóng 15%. Tổng cộng là 20%.

Với phương án 2, nhóm này đề xuất người lao động đóng 4% và doanh nghiệp đóng 12%. Tổng cộng là 16% nhưng nên đóng dựa trên thu nhập thực tế (trừ các khoản không mang tính chất lương). 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết