|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Ai dám đầu tư vào điện nếu cơ chế giá không thay đổi?"

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 6/12, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu góc nhìn giá điện rẻ chưa đủ động lực thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển.

Thị trường năng lượng cạnh tranh thiếu động lực do giá điện sai tín hiệu
Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Lấy ví dụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hàng năm lỗ nặng, PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: "Nhìn vào đó, ai dám đầu tư vào điện nếu cơ chế giá điện không thay đổi? Giá gạo đã theo cơ chế thị trường, làm thay đổi vị thế của ngành, còn giá điện vẫn nặng bao cấp nên ngành điện vẫn khó khăn”.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Thiên cho rằng giá điện hiện nhiều bậc thang và thấp hơn so với thế giới để bảo vệ người thu nhập thấp. Rất khó để tăng giá điện do thiết kế hệ thống phi thị trường, trách nhiệm xã hội của Nhà nước và doanh nghiệp không rõ ràng, EVN đang phải bù lỗ cho toàn bộ nền kinh tế.

Điều này cho thấy tín hiệu thị trường sai lạc. Các doanh nghiệp trong hệ thống sản xuất, phân phối điện và ngân sách nhà nước bị tổn hại. Ngược lại, các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ỷ lại vào giá điện giá rẻ, chậm đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu tốn tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm môi trường.

PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định, mấu chốt của cạnh tranh là giá (cách định giá) tác động đến cung - cầu, do đó, cần một cách tiếp cận mới, theo hướng tư duy thị trường, hiện đại hóa, tầm nhìn năng lượng cạnh tranh.

“Theo đó, cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng cả phía cung lẫn cầu trên căn bản giá cả, thị trường điều tiết; chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa giá điện; xác lập cân bằng giá cả; tách bạch vai trò của Nhà nước và thị trường, trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho EVN; đặc biệt chủ động điều chỉnh giá điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường”, ông Thiên nhấn mạnh.

Thị trường năng lượng cạnh tranh thiếu động lực do giá điện sai tín hiệu
PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: "Ai được lợi khi giá điện rẻ?".

Nhiều nhà đầu tư "e ngại" tính ổn định pháp lý môi trường kinh doanh

Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nhấn mạnh, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ là một yêu cầu kinh tế mà còn là nhiệm vụ chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, trong gần 5 năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh, đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng.

Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng được đẩy mạnh, giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ các đối tác quốc tế. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện.

Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.

Bên cạnh đó, khung pháp lý cho thị trường năng lượng vẫn chưa thực sự đồng bộ. Việc triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư còn chậm, nhiều nhà đầu tư e ngại về tính ổn định, khung pháp lý, môi trường kinh doanh năng lượng cạnh tranh.

Thực tiễn cho thấy, nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong định hướng chiến lược phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh như: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành than, khí và điện lực; bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định…

Ông Vũ Trọng Lâm cho rằng, để giải quyết những thách thức trên, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng truyền tải điện, và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến.

PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cũng cho rằng, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để đáp ứng sự phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định hiện nay và dự báo mức độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, nhu cầu điện năng dự kiến sẽ tăng mạnh và đạt quy mô công suất gấp đôi, khoảng 500.000 MW vào năm 2050.

Sau 11 năm thị trường điện cạnh tranh đi vào vận hành, việc xây dựng thị trường điện được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho ngành điện và xã hội. Việt Nam là quốc gia đi sau trong xây dựng và phát triển thị trường điện nên bài học kinh nghiệm của các quốc gia đi trước giúp chúng ta tránh được những sai lầm không đáng có, đồng thời học tập được những kinh nghiệm xây dựng, phát triển thị trường điện hiệu quả.

Từ đó, PGS.TS Đinh Văn Châu khuyến nghị, để phát triển thị trường điện cạnh tranh hiệu quả, cần hoàn thiện cơ chế chính sách; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng đáp ứng yêu cầu ngày càng minh bạch; cung cấp đầy đủ thông tin cho thị trường.

Phương Thảo

 


Tác giả: Phương Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết