|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 1: Quy hoạch và đột phá trong Luật Điện lực

Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 03 lần sửa đổi, bổ sung, đến nay Luật Điện lực cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tất cả để đạt tới sự minh bạch, công bằng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong Luật Điện lực (sửa đổi)

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.

Luật điện lực (sửa đổi)

Quy hoạch phát triển điện lực chưa được triển khai tốt trong nhiều năm qua.

Theo đó, về Quy hoạch phát triển điện lực, trong quá trình tổng kết, rà soát Luật Điện lực cho thấy hiện nay, việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có một số vướng mắc trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.

Trong thực tế, Quy hoạch phát triển điện lực có liên quan tới nhiều quy hoạch của các ngành như: than, dầu khí, năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch không gian đô thị, Quy hoạch phát triển công nghiệp... Việc đồng bộ hóa các quy hoạch này khá khó khăn do thời điểm xây dựng các quy hoạch thường không trùng khớp nhau. Các số liệu phục vụ quy hoạch chưa hoàn toàn đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn tới các kết quả dự báo, tính toán chưa chính xác.

Từ đó, công tác quản lý Nhà nước đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch còn chưa hiệu quả, thủ tục triển khai dự án phức tạp. Điều hành, quản lý việc thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt và chưa có giải pháp kịp thời thúc đẩy các dự án nguồn và lưới điện vào đúng tiến độ. Đồng thời, triển khai công tác Nhà nước cũng thiếu tính tuân thủ và sự phối hợp, ủng hộ của địa phương đối với quy hoạch đã được phê duyệt, chậm bố trí nguồn lực (đất đai,...) để triển khai dự án, một số trường hợp các địa phương trước đây đã phê duyệt quy hoạch sau lại thay đổi khiến quy hoạch điện bị phá vỡ.

Mặt khác, kế hoạch, tiến độ thực hiện, xác định nguồn lực một số dự án trong quy hoạch chưa rõ ràng. Việc đàm phán các hợp đồng dự án BOT phụ thuộc vào nhiều yêu cầu khắt khe từ các tổ chức tài chính quốc tế (bên cho vay) và có nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành và địa phương khác nhau khiến thời gian phát triển dự án kéo dài.

Bên cạnh đó, năng lực của các nhà đầu tư cũng như nhà thầu trong nước còn hạn chế cả về mặt tài chính và kỹ thuật. Một số địa phương chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo cam kết để triển khai dự án. Trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức tài chính quốc tế lại hạn chế hoặc không tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiệt điện than.

Vì vậy, cần phải có các giải pháp trong tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực đồng bộ, quyết liệt, từ Trung ương, các bộ, ngành đến địa phương, các tập đoàn kinh tế nhà nước...

Cần có những cơ chế đặc biệt trong Luật Điện lực (sửa đổi)

Hiện nay, còn một số thôn/bản, một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, ổn định, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi.

Luật điện lực (sửa đổi)

Cần xác định điện khí là nguồn điện nền, có cơ chế chuyển ngang giá khí cho điện.

Giai đoạn từ 2013-2023, triển khai cấp điện phụ thuộc chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương. Thực hiện chính sách năng lượng của Đảng và Nhà nước, trong đó bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vậy cũng cần cụ thể hóa trong Luật Điện lực; đồng bộ với các quy định luật hiện hành để có nguồn lực đầu tư đạt tỷ lệ 100% số hộ dân được tiếp điện an toàn, tin cậy.

Bên cạnh cơ chế đặc biệt để đầu tư các dự án điện cho các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là xây dựng cơ chế thúc đẩy, khuyến khích cho phát triển các loại hình năng lượng mới với tiêu chí sạch và xanh hơn. Đơn cử như việc chuyển đổi nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than sang các nguyên liệu khác như sinh khối, khí tự nhiên, amonia xanh... cũng không thể kêu gọi “chung chung”. Bởi đơn giản là bất cứ sự đầu tư nào vào ngành năng lượng đều cần thời gian dài, hàm lượng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao nên cần có chi phí tài chính lớn, rủi ro nhiều.

Chính vì vậy, không thể cứ kêu gọi “chung chung” như trước đây mà cần có cơ chế, quy định cụ thể trong Luật Điện lực để tránh dẫn đến tình trạng dở dang của nhiều dự án hay phát triển nóng. Đồng thời, tạo nên những đột phá trong xây dựng và phát triển ngành điện một cách bền vững bằng sự phát triển các nguồn năng lượng mới.

Tại hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu Tổ công tác của Tập đoàn góp ý xây dựng dự thảo Luật theo hướng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc đang nhận diện từ thực tế, từ đó cô đọng các đề xuất, kiến nghị với Tổ soạn thảo Bộ Công Thương, ưu tiên những đề xuất mang tính quyết định, trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án đang thực hiện.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Cần rà soát ý kiến của các đơn vị thành viên liên quan: PV Power, PV GAS, PTSC, PVPGB. Với điện khí cần có tư duy rõ về điện nền và cơ chế chuyển ngang giá; với điện gió ngoài khơi cần có cơ chế thí điểm và chính sách ưu đãi cụ thể; quy định rõ về cơ chế giá”.

Có thể thấy rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) cần có cái nhìn toàn diện, xây dựng cơ chế đặc biệt, tạo giải pháp đột phá để thúc đẩy đầu tư mạnh vào ngành, góp phần đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ có như vậy thì ngành điện nước ta mới thoát ra khỏi nỗi ám ảnh/nguy cơ "thiếu điện".

Bộ Công Thương đánh giá: “Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cần tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước”.

Bùi Công


Tác giả: Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong Luật Điện lực (sửa đổi)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết