Bản tin môi trường số 32/2022
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã cùng thảo luận với phía Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
WB hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia
Phát biểu tại buổi làm việc với WB, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia được kỳ vọng giúp phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các lựa chọn ưu tiên để phát triển toàn diện, bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với tự nhiên
Do đó, tại buổi làm việc lần này, Bộ trưởng mong muốn được nghe các chuyên gia của WB, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, áp dụng những công nghệ, khoa học và cơ sở dữ liệu hiện đang có sẵn của Bộ để đưa ra được bản quy hoạch đáp ứng được thực tiễn.
Tại cuộc họp, các chuyên gia của WB đã đưa ra dự thảo về các khái niệm quy hoạch không gian biển; phương pháp, cách tiếp cận lập quy hoạch; kinh nghiệm của các nước trong việc phân vùng sử dụng không gian biển.
WB cũng đưa ra các giải pháp để bảo vệ và phát triển khu vực biển như lập các bản đồ theo dõi biến động của các khu vực dễ tổn thương; xây dựng hành lang bảo vệ (xây dựng đê, kè chắn sóng); lập kế hoạch thích ứng bằng cách di chuyển các hoạt động kinh tế và người dân; chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với thực tiễn…
Lắp đặt hàng trăm trạm đo mưa, cảnh báo lũ cho các địa phương
Năm 2022, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai triển khai thực hiện chương trình lắp đặt 151 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ cảnh báo sớm lũ lụt tại cộng đồng 13 tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Trường Sa - Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai và Sơn La.
Lễ bàn giao 151 trạm đo mưa tự động cho cộng đồng 13 tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên
Bên cạnh việc lắp đặt, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, đơn vị cung ứng dịch vụ WATEC cũng tổ chức hướng dẫn sử dụng khai thác dữ liệu đo mưa trên ứng dụng điện thoại Vrain cho các cán bộ xã, đơn vị quản lý, đồng thời cung cấp tài liệu kỹ thuật và tổ chức hướng dẫn sử dụng khai thác dữ liệu cho cơ quan phòng chống thiên tai các tỉnh.
Theo đó, các dữ liệu đo mưa tự động được cập nhật và hiển thị lên hệ thống đo mưa của các tỉnh cũng như kết nối về hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng thủy văn và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ngay sau khi trạm đo mưa được lắp đặt.
Thông tin từ hệ thống trạm đo mưa sẽ giúp cho ngành khí tượng thủy văn có thêm số liệu tham khảo hiện thời và lưu trữ trên mạng thông tin chuyên ngành của ngành khí tượng thủy văn để làm số liệu đầu vào, giúp cho các dự báo viên có thêm thông tin số liệu hiện thời và quá khứ để phục vụ cho việc phân tích, chạy mô hình đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Lắp đặt 15 trạm quan trắc môi trường rừng ngập mặn
Mới đây, hội thảo tổng kết dự án AQUAM về lắp đặt trạm quan trắc môi trường đã được Chương trình Aus4Innovation (Australia) phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức.
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết, AQUAM đã lắp đặt 15 trạm quan trắc môi trường không dây sử dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) để theo dõi chất lượng nước ngập mặn. Các trạm quan trắc này giúp nông dân và chính quyền địa phương cập nhật thông tin theo thời gian thực về chất lượng nước và ứng phó kịp thời với những mối nguy.
Trạm quan trắc môi trường rừng ngập mặn
Chia sẻ về dự án, bà Kate Wallace, quyền Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: Đây là một ví dụ điển hình về đổi mới sáng tạo giúp giải quyết các thách thức môi trường và cải thiện cuộc sống của mọi người. Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cùng nhau vì sự phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử hoan nghênh các giải pháp đổi mới sáng tạo thích ứng với khí hậu, bảo vệ môi trường và góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống. Các trạm quan trắc do AQUAM lắp đặt có thể tạo ra tác động rất lớn và có tiềm năng nhân rộng ra các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, những nơi cũng đang phải đối mặt với thách thức từ môi trường. Qua đây, lãnh đạo tỉnh Cà Mau hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với đối tác Australia để đưa sáng kiến này lên tầm cao mới.
Phương An