|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 41/2023

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1251/QĐ-TTg ngày 26/10/2023 phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

Duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia

Chương trình có mục tiêu chung là hoàn chỉnh hệ thống tổ chức lực lượng và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030. Cụ thể, trong giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia; kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia

Giai đoạn 2026 – 2030, chương trình đề ra mục tiêu hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.

Với các mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, ban ngành tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia cho lực lượng của Bộ, ngành, địa phương về hệ thống ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện chế độ, chính sách cho lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực, quản lý tài chính trong thực hiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Trong nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia, cần xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, tài liệu hướng dẫn ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia, làm cơ sở cho công tác chỉ huy, điều hành và phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; trang bị phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo cho lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của Bộ, ngành, địa phương, chú trọng kiện toàn tổ chức, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng nòng cốt tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia...

Tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học ngành môi trường tại Việt Nam

Tại cuộc họp về đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân chỉ đạo các đơn vị tích cực góp ý xây dựng đề án tập trung vào bảo vệ môi trường, sản xuất thân thiện với môi trường.

Trao đổi, góp ý tại cuộc họp, đại diện nhiều đơn vị liên quan thuộc Bộ TN&MT, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của đề án trong giai đoạn phát triển hướng đến bền vững, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái.

cong-nghe-moi-truong-20231026163837141_w400.jpg (400×225)

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học ngành môi trường tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, với bối cảnh hiện nay, đề án cần có cách tiếp cận theo hướng bổ sung mục tiêu về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, chú trọng hơn các sản phẩm công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao như nhiên liệu sinh học hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, nhựa sinh học, nguyên liệu sinh học thân thiện môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc xây dựng đề án cần đảm bảo thực thi Quyết định số 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm làm rõ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ nào cần xử lý sinh học, lượng sử dụng chế phẩm sinh học hàng năm, thậm chí cụ thể loại chế phẩm nào nhập khẩu, loại nào Việt Nam có thể sản xuất, loại nào có hiệu quả, giá thành xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học.... Đề án cũng cần làm rõ sự cần thiết của việc phát triển công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường, mục tiêu đóng góp vào GDP, lộ trình phát triển và số lượng chỉ tiêu cụ thể.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt để trình Chính phủ vào tháng 11 tới.

Nâng cao nhận thức, vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển

Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế (SIMLAW) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ tại khu vực phi chính thức ở các khu đô thị trung tâm trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển.

Tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển

Tại chương trình tập huấn, các đại biểu tham gia được giới thiệu và tìm hiểu sâu hơn về: chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường biển Việt Nam; chính sách quản lý chất thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm phòng chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa trên thế giới.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải gồm: thu gom, tiền xử lý, tái sử dụng, thu hồi hoặc thải bỏ. Nói cách khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà phải mở rộng đến quản lý chất thải sau tiêu dùng.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong khu vực phi chính thức và chính sách, pháp luật liên quan đến xử lý rác thải của Việt Nam; vấn đề lồng ghép giới trong phòng chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa; góc nhìn của doanh nghiệp về thực trạng, vướng mắc khi thi hành quy định pháp luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất liên quan đến vòng đời của sản phẩm nhựa…

Lâm Bảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết