|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 6/2021

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 2361/UBND-ĐT về việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác phòng, chống dịch

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các Sở, công ty vệ sinh môi trường, các đơn vị thực hiện các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND; xây dựng kế hoạch triển khai chỉ thị phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị.

Bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác phòng, chống dịch

Cụ thể, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn duy trì thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về các khu xử lý tập trung của thành phố, không để tồn đọng rác thải trên địa bàn; phối hợp Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố xây dựng, bố trí phân "luồng xanh" cho xe vận chuyển rác thải; tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các xe vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tuyệt đối không để rơi vãi rác, nước rỉ rác trong quá trình thu gom, vận chuyển về khu xử lý.

Đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm phát sinh tại các khu cách ly y tế tập trung, cách ly tại nhà, nơi cư trú trên địa bàn, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường về chất thải có nguy cơ lây nhiễm, không thu gom vận chuyển và xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện theo Chỉ thị số 17/CT-UBND phải tuyệt đối bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động, kiểm soát, yêu cầu toàn bộ người lao động thực hiện tốt thông điệp "5K" và khai báo y tế đầy đủ theo quy định, chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để dịch bệnh lây lan trong đơn vị mình quản lý.

Đức hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững

Mới đây, Chính phủ hai nước Đức - Việt đã có cuộc đàm phán trực tuyến về hợp tác phát triển. Đây là cuộc đàm phán Chính phủ đầu tiên giữa Đức với Việt Nam sau khi Việt Nam được xếp hạng là “Nước đối tác toàn cầu” trong khuôn khổ chiến lược mới về hợp tác phát triển của Chính phủ Liên bang Đức.

Đại diện Chính phủ hai nước Đức - Việt ký thỏa thuận hợp tác phát triển

Theo đó, trong buổi làm việc hai nước đã quyết định mở rộng hợp tác trong các chủ đề cốt lõi như: đào tạo và tăng trưởng bền vững cho việc làm có chất lượng; trách nhiệm đối với hành tinh - khí hậu và năng lượng; bảo vệ các cơ sở sống của chúng ta - môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; y tế/đại dịch/ONE HEALTH; hòa bình và hợp tác xã hội.

Theo đàm phán, Đức cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 140 triệu Euro (170 triệu USD) trong 2 năm tới, sau khi Việt Nam được công nhận là “Nước đối tác toàn cầu”. Trong đó, Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) cam kết hỗ trợ tối đa 113,5 triệu Euro (135 triệu USD) để Việt Nam triển khai mô hình phát triển bền vững và đảm nhận nhiều hơn nữa trách nhiệm toàn cầu. Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang cũng cam kết thêm 30 triệu Euro (35 triệu USD) cho giai đoạn tài trợ tiếp theo trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến khí hậu quốc tế, để tài trợ cho các dự án đa dạng sinh học và khí hậu tại Việt Nam.

Điểm mới trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

Tại đề án Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam, những quy định về chi phí thu gom vận chuyển, xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã được đề cập đến. Trong đó nhấn mạnh về mức thu, thuế, phí, vay vốn đối với cá nhân, doanh nghiệp trong xử lý CTRSH.

Quản lý hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý CTRSH

Theo đó, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Thực hiện giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ không khuyến khích cơ sở xử lý CTRSH có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp CTRSH, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cũng như sẽ có quy định ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTRSH phù hợp. Việc này giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Khả Như


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết