|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 2/2022

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022.

Thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Tiếp tục ưu tiên, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời trên mặt nước, thí điểm mô hình sử dụng điện mặt trời phù hợp. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế nhằm tạo đột phá cho phát triển điện mặt trời phù hợp điều kiện đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Tiếp tục khuyến khích và đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện từ xử lý chất thải rắn.

Cụ thể, năm 2022, toàn Thành phố phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 37MW từ điện rác (đưa dự án Nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành); khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học...

Để thực hiện các mục tiêu, Thành phố Hà Nội sẽ tuyên truyền trên báo đài Trung ương, Thành phố, hình thức lồng ghép tại các sự kiện, các địa phương... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Phối hợp, thực hiện lồng ghép nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn Thành phố với nội dung tuyên truyền về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả do cơ quan chức năng và các đơn vị điện lực chủ trì thực hiện.

Thành phố Hà Nội sẽ đề xuất cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Về khoa học và công nghệ: lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà (tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường; bộ biến tần Inverter đảm bảo chất lượng điện năng nối lưới), có kết hợp với hệ thống tích trữ năng lượng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu sáng thông minh lớp học kết hợp nguồn điện mặt trời nối lưới cho mô hình trường học xanh ở Hà Nội.

Về xây dựng cơ chế chính sách: UBND Thành phố Hà Nội sẽ đề xuất với cấp thẩm quyền cho phép Thành phố nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà trên địa bàn...

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác trên địa bàn Thành phố. Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực, đảm bảo thực hiện xã hội hóa tối đa với các dự án điện mặt trời, điện rác trên địa bàn Thành phố.

Ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án làm nguyên liệu pin mặt trời

Mới đây, tại Quảng Ninh, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Sông Khoai, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) đã thực hiện nghi lễ nhấn nút khởi động sản xuất tấm silic đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất hơn 20ha. 

Dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021 nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã khởi động sản xuất và cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) - cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp hiện nay của tỉnh Quảng Ninh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kéo băng ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam

Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam là dự án đầu tiên của khu kinh tế ven biển Quảng Yên kể từ khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ và cũng là dự án thứ cấp đầu tiên tại khu công nghiệp Sông Khoai khởi động sản xuất. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn tại Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar. Dự kiến khi đi vào hoạt động chính thức vào tháng 4/2022, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 2.200 lao động địa phương.

Ngay sau lễ khởi động sản xuất, các đại biểu đã tham quan hệ thống dây chuyền máy móc, hệ thống trang thiết bị, hoạt động sản xuất tại nhà xưởng của dự án; đồng thời làm lễ kéo băng ra mắt lô sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện mặt trời Long Sơn

UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có văn bản số 22/UBND-CN gửi một số đơn vị liên quan về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị bổ sung quy hoạch Nhà máy điện mặt trời Long Sơn – Thanh Hóa của Công ty TNHH Long Sơn.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được công văn số 1224-3/LS-CV ngày 24/12/2021 của Công ty TNHH Long Sơn về việc đề nghị bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 dự án Nhà máy điện mặt trời Long Sơn - Thanh Hóa.

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND huyện Hà Trung và các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty TNHH Long Sơn; có ý kiến đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 25/1/2022.

Bên cạnh đó, đề nghị Công ty TNHH Long Sơn khẩn trương gửi hồ sơ đề xuất về các Sở, ngành, đơn vị nêu trên để tham mưu theo quy định.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết