|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 36/2021

Theo dự thảo tờ trình Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mới nhất mà Bộ Công Thương gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến, một mục tiêu được đặt ra là năng lượng tái tạo đạt 24,3 - 25,7% tổng công suất đặt hệ thống năm 2030.

Năng lượng tái tạo: Mục tiêu đạt 24,3 - 25,7% tổng công suất đặt năm 2030

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn số 5321/BCT gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến về báo cáo giải trình và dự thảo tờ trình Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 91/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ (Thông báo số 91) truyền đạt các ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án Quy hoạch điện VIII.

Trên cơ sở cập nhật số liệu tới thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã xây dựng báo cáo giải trình Quy hoạch điện VIII với một số nội dung chính như sau: cập nhật tình hình tiêu thụ điện trong các tháng đầu năm 2021 và rà soát lại các kết quả dự báo. Về cơ bản, các thông số đầu vào phục vụ dự báo nhu cầu phụ tải không thay đổi do đó kết quả dự báo nhu cầu phụ tải giữ nguyên so với tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021 của Bộ Công Thương.

Rà soát, đánh giá chi tiết những khó khăn, vướng mắc của tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, những nguyên nhân chính dẫn tới việc triển khai các phương án phát triển điện lực không đáp ứng được quy hoạch dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn 2016 - 2020. 

Rà soát, tính toán và bổ sung các phương án phát triến nguồn điện, trong đó có tính đến phương án xác suất kỳ vọng mất tải (LOLE) của hệ thống điện vào năm 2030 là 24 giờ/năm so với phương án cũ là 12 giờ/năm dẫn đến giảm công suất một số nguồn điện xây mới trong tổng công suất đặt hệ thống. 

Ảnh minh họa

Kết quả cho thấy phương án phát triển nguồn điện với LOLE là 24 giờ/năm giúp giảm đầu tư chung cho hệ thống và vẫn đảm bảo tiêu chí cung cấp điện ổn định, đáp ứng các ràng buộc đặt ra trong các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về mức ràng buộc giảm phát thải khí CO2 (khoảng 9% vào năm 2030) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua nội dung “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Bộ Công Thương đã chuẩn xác kết quả tính toán, tính toán phương án phát triển nguồn điện với kịch bản phụ tải cơ sở và kịch bản phụ tải cao, ngoài ra dự phòng một số nguồn điện có thế đưa vào phát triển trong trường hợp xảy ra các bất lợi xếp chồng gồm có phụ tải tăng trưởng cao và một số nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh và một số nguồn điện than bị chậm tiến độ sau 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. 

Tổng công suất lắp đặt của hệ thống và điện năng đến năm 2030 theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải cao tóm tắt như sau:

Tổng công suất đặt hệ thống năm 2030 khoảng 130.370 - 143.839 MW. Trong đó: thủy điện lớn, vừa, nhỏ và thủy điện tích năng khoảng 17,7 - 19,5%; nhiệt điện than khoảng 28,3 - 31,2%; nhiệt điện khí và dầu (tính cả LNG) đạt khoảng 21,1 - 22,3%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) đạt 24,3 - 25,7%; nhập khẩu điện khoảng 3 - 4%.

Điện năng sản xuất và nhập khẩu năm 2030 khoảng 551,3 - 595,4 tỷ kWh. Trong đó: thủy điện lớn, vừa, nhỏ và thủy điện tích năng chiếm khoảng 15,4 - 16,8%; nhiệt điện than khoảng 44 - 45,5%; nhiệt điện khí và dầu (tính cả LNG) chiếm 23 -  23,8%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) chiếm 11,9 - 13,4%; nhập khẩu điện khoảng 2,9 - 3,6%.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiến hành so sánh về khối lượng và tổng vốn đầu tư nguồn điện, lưới điện giữa phương án sau khi hiệu chỉnh so với phương án đã trình tại tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021 của Bộ Công Thương. 

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và đơn vị liên quan đối với dự thảo tờ trình của Bộ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII để có cơ sở báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới.

Ninh Thuận: Đề xuất thay thế điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thay thế quy mô 4.600 MW điện hạt nhân Ninh Thuận trong Quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG cập nhật trong Quy hoạch điện VIII.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, điều chỉnh Quy hoạch điện lực quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, nguồn điện hạt nhân đã dừng thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.

Một bến nhập khí LNG được bổ sung vào quy hoạch khu bến cảng Cà Ná trọng tải đến 97.000 tấn để phục vụ trực tiếp Trung tâm điện lực LNG giai đoạn 1. (Ảnh minh họa)

Do đó, việc thay thế phần quy mô công suất điện hạt nhân này thành công suất 4.600 MW điện khí LNG Cà Ná trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045, theo tỉnh Ninh Thuận, "là thật sự cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo đúng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận".

Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW (điều chỉnh Quyết định số 2162 ngày 8/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận). Theo đó, tiến độ đầu tư dự án được điều chỉnh: “hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý II/2022; hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2026”.

Các dự án điện gió tại Sóc Trăng phấn đấu đảm bảo tiến độ

Mới đây, đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng do ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn có chuyến khảo sát thực tế tiến độ các dự án điện gió trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại công trường và nghe đại diện các nhà đầu tư điện gió báo cáo tiến độ dự án. 

Theo chủ đầu tư Nhà máy điện gió Quốc Vinh (vị trí số 6) thì đơn vị lắp xong toàn bộ 6 trụ turbine trong tháng 9/2021 và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 10/2021. Trong khi đó, Nhà máy điện gió số 7 (có trụ turbine ngoài khơi) cơ bản đạt tiến độ 100%, đã lắp đặt 7/7 trụ turbine và hợp long 7,4km cầu dẫn, lắp đặt xong các thiết bị tại trạm biến áp… Theo kế hoạch, vào ngày 20/9 đóng điện xung kích trạm biến áp, ngày 21/9 sẽ đóng điện xuống tổ máy turbine đầu tiên, sẵn sàng chạy thử nghiệm và sẽ vận hành toàn bộ nhà máy vào ngày 5/10. 

Các dự án điện gió tại Sóc Trăng phấn đấu đảm bảo tiến độ

Nhà máy điện gió Lạc Hòa (vị trí số 5) đã đạt tiến độ 50% lắp đặt trụ turbine, 50% còn lại phấn đấu trong tháng 10/2021 sẽ hoàn thành. Kế hoạch vào ngày 30/9 sẽ chạy vận hành 3 tổ máy và ngày 31/10 chạy hết 3 tổ máy còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án.

Sau khi nghe đơn vị đầu tư báo cáo tiến độ các dự án nhà máy điện gió, ông Lâm Văn Mẫn cho rằng, đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh. Các dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và đây là những dự án mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để lập thành tích chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Các chủ đầu tư đã khắc phục khó khăn, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo tiến độ thi công như đã cam kết với tỉnh. Trong tháng 9 này, các dự án nỗ lực hoàn thành lắp đặt các turbine còn lại để trong tháng 10 vận hành, đưa vào sử dụng.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết