|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 37/2021

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ vừa phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo trực tuyến “Nghiên cứu áp dụng công nghệ nhà máy điện ảo tại Việt Nam”.

Nghiên cứu áp dụng công nghệ nhà máy điện ảo tại Việt Nam

Chủ trì hội thảo là ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực và ông Markus Bissel, Giám đốc dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) của GIZ. 

Công nghệ nhà máy điện ảo (Virtual power plant-VPP) là một trong những công nghệ lưới điện thông minh đang nổi lên như một công cụ hữu hiệu để quy tụ, tổng hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán thành một nhà máy điện (ảo) duy nhất.

Công nghệ này hiện đã có mặt tại một số nước thế giới có tỷ trọng cao và tích hợp thành công năng lượng tái tạo vào lưới điện. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc áp dụng đầy đủ chức năng của công nghệ này để hỗ trợ quản lý, giám sát, dự báo tập trung và thực hiện các chức năng khác của các nguồn năng lượng tái tạo phân tán trong hệ thống điện và thị trường điện.  

Công nghệ nhà máy điện ảo giúp quy tụ, tổng hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán thành một nhà máy điện (ảo) duy nhất. (Ảnh minh họa)

Tại buổi hội thảo, các diễn giả gồm nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về các đặc điểm chính của của mô hình nhà máy điện ảo; xem xét những mô hình thành công của quốc tế; đánh giá tình hình của các trung tâm điều khiển từ xa (OCC) cho nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, sự khác nhau giữa chức năng của OCC và nhà máy điện ảo; giải pháp quản lý nguồn năng lượng tái tạo và ứng dụng tại Việt Nam; đề xuất việc thử nghiệm mô hình nhà máy điện ảo tại Việt Nam.  

Các chuyên gia đề xuất, việc áp dụng, thử nghiệm mô hình nhà máy điện ảo nên được thực hiện sớm tại Việt Nam với quy mô và thời gian thích hợp để từ đó các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cũng như Cục Điều tiết Điện lực có cơ sở xem xét, ban hành các quy định pháp lý, quy định kỹ thuật vận hành để đưa mô hình này vào hoạt động hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán vào lưới điện tại Việt Nam. 

Việc nghiên cứu công nghệ nhà máy điện ảo là một trong những nhiệm vụ chính của dự án hợp tác kỹ thuật song phương SGREEE do Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam và Tổ chức GIZ (dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ) phối hợp thực hiện.

Quảng Ninh: Trao chứng nhận đầu tư cho dự án làm nguyên liệu pin mặt trời

Tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam).

Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam là dự án thứ cấp thứ hai thực hiện đầu tư vào khu công nghiệp Sông Khoai có quy mô vốn đầu tư lớn 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất 20,1ha, suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha), cao nhất so với các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1. Việc triển khai dự án sẽ hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao hiệu quả đồng thời của cả 2 dự án.

Trước đó, vào ngày 31/3/2021, Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited với quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6 ha…

Lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhặn đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam

Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko 2) của Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited là dự án thứ hai của Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên trong vòng 6 tháng qua; tiếp tục khẳng định niềm tin, hiệu quả của nhà đầu tư trên địa bàn, cũng như quyết sách đúng đắn, bước đi chiến lược, tầm nhìn dài hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khi ban hành Nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hoàn thành vận hành thương mại dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận

Ngày 21/9, toàn bộ 11 trụ tuabin của dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được hoàn thành vận hành thương mại (COD).

Dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận có tổng số vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng, tổng công suất 46,2MW, quy mô gồm 11 trụ tuabin. Dự kiến, sản lượng điện của dự án khi đưa vào hoạt động là 136.281MWh/năm, đấu nối trực tiếp vào hệ thống lưới điện quốc gia với cấp điện áp 220kV thông qua đường dây truyền tải 220kV đấu nối từ trạm biến áp 220kV Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận đến trạm biến áp 220kV Ninh Phước.

Hoàn thành COD toàn bộ 11 trụ tuabin của dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận

Dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận gồm trạm biến áp với một máy biến áp công suất 50MVA. Các tuabin của dự án được cung cấp bởi Công ty Enercon (Đức) có công nghệ không hộp số với ưu điểm có thể hoạt động với tốc độ gió thấp từ 2 - 2,5m/s. Với công suất tổ máy 4,2MW đây là loại tuabin trên đất liền có công suất lớn và hiện đại ở thời điểm vận hành. Với việc lựa chọn thiết bị tiên tiến này, các chỉ tiêu về diện tích chiếm đất giảm xuống chỉ còn 0,14ha/MW (so với suất sử dụng đất quy định không quá 0,35ha/MW) góp phần đáng kể trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết