Bản tin năng lượng số 38/2021
Đối với những dự án điện gió chậm tiến độ, không kịp vận hành thương mại trước ngày 31/10 để hưởng giá FIT, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá.
Sẽ sớm hoàn thiện cơ chế phát triển điện gió cho giai đoạn tiếp theo
Ngày 30/9, Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ quý III năm 2021. Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho biết, đến tháng 8 năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo có 106 dự án điện gió sẽ được công nhận vận hành thương mại kịp hưởng giá FIT. Đến thời điểm hiện tại, trong số 106 dự án này thì có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét và thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu của Bộ Công Thương. 30 dự án trong số 54 dự án đã có hồ sơ để tiến hành công tác nghiệm thu nhằm đảm bảo các dự án này đạt tiến độ được hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện cơ chế phát triển điện gió cho giai đoạn tiếp theo. (Ảnh minh họa)
Có nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực đưa dự án điện gió kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do khác nhau không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Lý do chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chậm tiến độ các dự án.
Theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió. Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết thêm, Cục đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật giá, Luật Điện lực…
IEEFA: Quy hoạch điện VIII cần thận trọng với kỳ vọng về nguồn vốn cho điện than
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ cho rằng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) của Việt Nam cần thận trọng với kỳ vọng về nguồn vốn cho điện than.
Theo báo cáo mới công bố của IEEFA, dự thảo mới đây của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã gây bất ngờ khi tăng mức công suất lắp đặt mục tiêu cho nhiệt điện than lên tổng cộng 40GW vào năm 2030 và triển khai bổ sung thêm 10GW cuối cùng trước năm 2035. Kế hoạch này có thể đứng trước nhiều rủi ro về nguồn vốn và triển khai xây dựng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng tài trợ vốn cho các dự án điện than ở nước ngoài.
Phân tích của IEEFA xem xét cả nguồn tài trợ từ nước ngoài và khả năng tự cấp vốn của Việt Nam cho các dự án nhiệt điện than phát triển mới theo quy hoạch.
Đối với nguồn vốn từ bên ngoài, IEEFA cho rằng, những thay đổi chính sách theo hướng siết lại dòng vốn chảy vào các dự án điện than từ các nguồn mà Việt Nam dựa vào trước đây sẽ khiến cho lượng công suất điện than dự kiến bổ sung trong thập kỷ tới theo Quy hoạch điện VIII “chắc chắn sẽ rất khó khả thi”.
“Động thái này là một bước ngoặt bất ngờ trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII suốt năm vừa qua, đặc biệt là trong bối cảnh các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận rằng Việt Nam hiện ở vị thế sẵn sàng hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư có thể giúp giảm giá thành cho năng lượng tái tạo quy mô lớn”, báo cáo viết.
Ảnh minh họa
Trong giai đoạn 2015 - 2021, có tới 10 trong số 12 dự án nhà máy nhiệt điện than đã hoàn thành ký kết thỏa thuận vay vốn tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ba nhà tài trợ hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của IEEFA thì trong số 30GW công suất nhiệt điện than dự kiến xây mới tới năm 2035, chỉ có chưa đến 12GW là có thể thực hiện được do thuộc các dự án hiện đã trong quá trình thi công xây dựng hoặc đã có quyết định cuối cùng về tài chính.
Gần 19GW công suất còn lại sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn cung cấp vốn do những thay đổi trong chính sách tài trợ điện than của các nhà đầu tư lớn và chính phủ các nước mới ban hành trong thời gian gần đây.
“Để giải quyết bài toán duy trì giá điện rẻ, thay vì chú trọng phát triển nguồn điện chạy nền với các nhà máy điện than mới, Việt Nam cần ban hành các chính sách thúc đẩy các nhà đầu tư đem lại nguồn điện tái tạo với giá thành cạnh tranh hơn”, báo cáo nhấn mạnh.
Đưa vào vận hành TBA 220kV Nhà máy điện gió Nhơn Hòa (Gia Lai)
Mới đây, sau khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị và hệ thống liên quan, trạm biến áp (TBA) Nhà máy điện gió Nhơn Hòa đã được Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung (CPCETC) thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công xây lắp và các đơn vị liên quan đóng điện thành công, chính thức đưa vào vận hành kịp tiến độ để truyền tải công suất nhà máy vào hệ thống điện lưới quốc gia theo chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Công trình TBA 220kV Nhà máy điện gió Nhơn Hòa thuộc dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hòa 1&2. Công trình được xây dựng tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Nhà máy điện gió Nhơn Hòa thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai
CPCETC là đơn vị thí nghiệm đưa vào vận hành. Cùng với các bên liên quan, đơn vị đã phối hợp nghiệm thu đóng điện giai đoạn 1 thành công chuyển đấu nối vào TBA 220kV Nhà máy điện gió Nhơn Hòa 1 từ đường dây 220kV thuộc TBA 500kV Pleiku 2 đến TBA 220kV Krông Buk của lưới điện truyền tải quốc gia.
Dự án TBA 220kV Nhà máy điện gió Nhơn Hòa có quy mô xây dựng gồm 2 máy biến áp 500/220/33kV - 3x300MVA, 4 máy biến áp 220/33kV - 63MVA, 8 ngăn 500kV, 19 ngăn 220kV và nhà phân phối 33kV. Giai đoạn này lắp đặt và đóng điện nghiệm thu 6 ngăn 220kV, 2 máy biến áp 220/33kV - 63MVA và nhà phân phối 33kV có 2 hệ thống thanh cái 33kV.
Công trình được đưa vào vận hành có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các nhà máy điện gió vận hành thương mại với mốc tiến độ theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng truyền tải công suất cho các nhà máy điện gió của tỉnh Gia Lai chuẩn bị vận hành thương mại.
Ngân Hà