|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 39/2021

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lưu ý các nhà đầu tư dự án điện gió một số vấn đề liên quan đến công tác nghiệm thu công trình để được công nhận ngày vận hành thương mại trước thời hạn 1/11/2021.

Lưu ý các nhà đầu tư về công tác nghiệm thu công trình điện gió

Theo đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo vừa có công văn số 1892/ĐL-NLTT ngày 7/10/2021 về việc liên quan đến kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng và đưa hạng mục công trình, công trình điện gió vào sử dụng.

Cụ thể, theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, để đưa vào khai thác sử dụng, công trình, hạng mục cần: được nghiệm thu theo quy định; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Nghị định 06 cũng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra theo nội dung quy định và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định. Theo mẫu thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng, một trong những căn cứ chấp thuận hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng là “văn bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy".

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định chủ đầu tư phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt thiết kế trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu, cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao. Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu, cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.

Công văn của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh: “Để cơ quan chuyên môn về xây dựng trong lĩnh vực điện lực thuộc Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh có cơ sở xem xét và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, đưa công trình điện gió vào sử dụng theo đúng, đủ quy định của pháp luật, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị chủ đầu tư các dự án điện gió khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu theo quy định, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ra văn bản chấp thuận nghiệm thu trước ngày 1/11/2021”.

Đóng điện nghiệm thu Nhà máy điện gió số 3 (Sóc Trăng)

Ngành điện miền Nam vừa tiếp tục phối hợp đóng điện nghiệm thu vận hành không tải thành công đường dây 110kV và trạm biến áp 22/110kV 40MVA Nhà Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng.

Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, có công suất 29,4MW. Các hạng mục xây dựng bao gồm 7 tuabin gió, mỗi tuabin có công suất 4,2MW; xây dựng đường cáp ngầm 3 mạch 22kV đi chung mương cáp (gồm 2 đường cáp mỗi đường dây gom công suất 2 tuabin và 1 đường cáp gom công suất 3 tuabin) về trạm 22/110kV dài 9km. Bên cạnh đó, xây dựng trạm biến áp 22/110kV gồm 1 MBA 40 MVA; đầu tư 1 đường dây mạch kép phân pha đôi 240/39 tổng chiều dài 5,8 km và 2 ngăn lộ mở rộng tại trạm biến áp 110/22kV Vĩnh Châu hòa lưới điện 110kV quốc gia tại trạm 110kV Vĩnh Châu.

Trạm biến áp 22/110kV Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.209 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 10,2 ha trên đất liền. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 84 triệu kWh.

Công tác đóng điện bắt đầu lúc 14g29p ngày 6/10, dưới sự chỉ huy thao tác của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) cùng chủ đầu tư là Nhà máy điện gió số 3 và Điều độ phân phối Công ty Điện lực Sóc Trăng. Đến 18g43p cùng ngày, hoạt động đóng điện nghiệm thu vận hành không tải đường dây 110kV mạch kép và trạm biến áp 22/110kV 40MVA Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng thành công tốt đẹp. 

Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng

UBND tỉnh Quảng Trị, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị vừa trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I (1.500MW) cho tổ hợp các nhà đầu tư.

Tổ hợp các nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty CP Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).

Trước đó, ngày 4/2/2021, tại văn bản số 154/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý bổ sung giai đoạn I của Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan cùng nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật và kết quả là trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Đại diện Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I cho tổ hợp các nhà đầu tư

Theo quyết định chủ trương đầu tư, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án hợp tác đầu tư giữa một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tiềm lực kinh tế vững mạnh và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc uy tín hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại châu Á. Cụ thể, T&T Group sẽ góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp HANWHA, KOSPO, KOGAS đóng góp 60% vào dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I thuộc địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng; nằm trong khu phức hợp năng lượng của khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với quy mô hơn 120ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng giai đoạn I tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng giai đoạn I có công suất phát điện 1.500MW.

Với việc áp dụng công nghệ tuabin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, Trung tâm điện khí Hải Lăng sau khi vận hành có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và biến động theo thời tiết.

Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.

Dự án sẽ được tổ hợp nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung mọi nguồn lực, bảo đảm vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết