Cần sớm hoàn thiện Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp
Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ năm 2019 có tham khảo tư vấn trong và ngoài nước với nhiều nội dung quan trọng. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Nghị định và giao Bộ Công Thương triển khai.
Trên cơ sở thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Đề cương Nghị định được Bộ Công Thương xây dựng, Bộ trưởng đề nghị các thành viên cho ý kiến đóng góp chi tiết làm cơ sở cho thường trực Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Tại cuộc họp, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã công bố quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định của Chính phủ về DPPA; đề cương dự thảo Nghị định của Chính phủ về DPPA.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nêu ý kiến đóng góp về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; xác định giá/chi phí các khâu dịch vụ; hợp đồng giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện...
Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện, trình phê duyệt Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp. (Ảnh minh họa)
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc xây dựng quy định về cơ chế DPPA được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, bởi đây là vấn đề rất cấp thiết đối với không chỉ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà còn đối với việc đầu tư phát triển nguồn điện đúng tiến độ đã đề ra, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước thời gian tới trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng, Nghị định nên được xây dựng theo hướng đủ điều kiện áp dụng được ngay vào thực tiễn, không làm theo hướng “nghị định khung”, “nghị định ống” để tránh việc sau khi ban hành Nghị định lại cần chờ đợi ban hành thêm các văn bản hướng dẫn dưới Nghị định.
Các chính sách trong Nghị định cần tập trung vào hai vấn đề: thứ nhất là cơ chế giá (bao gồm cả giá truyền tải, giá sản xuất, giá phân phối…); thứ hai là thủ tục hành chính liên quan. Đối tượng mà Nghị định hướng đến cũng cần được xác định cụ thể trên cơ sở xem xét, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp một cách phù hợp, có giải trình rõ ràng. Đặc biệt, cần lưu ý đến tổng thể chung của hệ thống điện, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các đối tượng tham gia thị trường điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, góp ý cho dự thảo Nghị định và gửi về cơ quan thường trực trước ngày 12/4/2024 để hoàn thiện trong ngày 12 - 15/4 và công khai lấy ý kiến đối với dự thảo lần 1 trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương theo đúng quy định. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo lần 2, cần tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan và tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất điện… là đối tượng thụ hưởng của Nghị định.
An Vinh (t/h)