Chuyển dịch năng lượng và vai trò của ngành công nghiệp khí
Với sự phát triển của khoa học công nghệ và lợi thế về tiềm năng, ngành công nghiệp khí trong thời gian tới sẽ có những phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu năng lượng quốc gia.
Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam vừa phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương tổ chức hội thảo “Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện và vai trò của ngành công nghiệp khí trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030”. Hội thảo có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Xu thế tất yếu
Phát biểu tại hội thảo, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: Chuyển dịch năng lượng mà trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu và mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.
Khẳng định Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng, Bộ Công Thương đã tham mưu, tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách phát triển năng lượng, trình Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ triển khai nhiều chương trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hợp tác quốc tế thúc đẩy quá trình quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon
Đặc biệt, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện theo định hướng xanh và bền vững. Cụ thể, đặt mục tiêu khai thác tối đa và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất điện như khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030. Xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng khí LNG, chuyển đổi dần các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí sang sử dụng năng lượng sinh khối, khí amoniac hoặc hydro…
Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cung cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân dụng; các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác. Đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện việc chuyển đổi năng lượng trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu trên vẫn còn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, đầu tư và quản lý vận hành và nhiều vấn đề khác”, ông Bùi Quốc Hùng nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến tình hình sản xuất và tiêu thụ năng lượng, chuyển dịch cơ cấu năng lượng cũng như một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phù hợp với định hướng chiến lược tại Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện cơ chế theo thỏa thuận tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đặc biệt, các đại biểu tại hội thảo nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp khí, đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của ngành trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành năng lượng nói riêng.
Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khí
Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực nhận định, ngoài những khó khăn của các dự án năng lượng nói chung như khó khăn về cơ chế, chính sách; công nghệ, kỹ thuật; thu xếp vốn; đền bù, giải phóng mặt bằng… đối với phát triển điện khí, đặc thù là khí bao gồm nhiều dự án thành phần (phát triển mỏ khí tự nhiên/nhập khẩu khí; vận chuyển, bồn chứa; các nhà máy điện) vì vậy, việc phát triển các chuỗi dự án này đòi hỏi tính đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của từng dự án thành phần, tính hiệu quả của từng dự án thành phần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó lường trước, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Các dự án này thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau (bao gồm cả chủ đầu tư nước ngoài) thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. Vì vậy, trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của cả chuỗi dự án.
Các nhà máy điện khí sử dụng nhiên liệu LNG hoặc các nguồn khí thiên nhiên nội địa có giá cao đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách chuyển ngang toàn diện (cả về giả và khối lượng bao tiêu) từ các hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Do chưa giải quyết được các vấn đề mấu chốt về khung pháp lý liên quan nên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các dự án/mục tiêu nhập khẩu khí LNG để phát điện, dẫn tới khó khăn trong phát triển dự án.
Xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý về cơ chế, chính sách đối với thị trường khí, đặc biệt là giá khí cho sản xuất điện
Đế góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khí phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương hiện đang tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện một số quy định liên quan đến lĩnh vực công nghiệp khí trong giai đoạn tới, đặc biệt đối với lĩnh vực nhập khẩu khí (bằng đường ống, nhập khẩu LNG) để tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường khí phát triển.
Bên cạnh đó, hoàn thiện Chiến lược năng lượng quốc gia, Quy hoạch năng lượng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Triển khai nhiệm vụ được giao đối với thị trường khí tại Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực LNG. Xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý về cơ chế, chính sách đối với thị trường khí, đặc biệt là giá khí cho sản xuất điện.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ và với lợi thế về tiềm năng, ngành công nghiệp khí trong thời gian tới sẽ có những phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu năng lượng quốc gia.
Cẩm Hạnh