|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công bố Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 4379/BTNMT-TNN về việc công bố Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021.

Văn bản cho biết, thực hiện quy định Luật Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo và giao Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia để cung cấp một cách tổng quan hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021.

Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp các thông tin, số liệu về khai thác, sử dụng nước, tình hình quản lý… do các Bộ liên quan, UBND các tỉnh cung cấp; các thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện để xây dựng báo cáo này. 

Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia (lần đầu) giai đoạn 2016 - 2021 nhằm cung cấp một cách nhìn tổng quan về hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2021. Đây cũng là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển sau này.

Công bố Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021

Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021 gồm 5 chương: Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Hiện trạng tài nguyên nước; Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Quản lý tài nguyên nước.

Trong đó, báo cáo nêu rõ hiện trạng chất lượng nước và ô nhiễm nguồn nước mặt giai đoạn trước, với tổng kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại 1.070 vị trí cho thấy chất lượng nước trên các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Mã, Cả, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Cửu Long và các sông ven biển khu vực Đông Nam Bộ có nhiều vị trí vượt quy chuẩn QCVN08, dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp hoặc các mục đích sử dụng khác theo quy định. Ô nhiễm cục bộ xảy ra ở các đoạn sông chảy qua các khu vực tập trung đông dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

Trong công tác quản lý, báo cáo cho biết trên cả nước hiện có 354 trạm thủy văn và 46 trạm tài nguyên nước mặt do Trung ương quản lý. Các trạm thủy văn hiện nay chủ yếu do Trung ương đầu tư xây dựng và quản lý, được xây dựng trên sông chính, sông nhánh lớn và tập trung nhiều trên các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Đồng Nai, Cửu Long.

Trong 46 trạm tài nguyên nước mặt có 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập và 23 trạm thủy văn hiện có kết hợp quan trắc tài nguyên nước mặt (Tây Bắc Bộ 3 trạm, Đông Bắc Bộ 4 trạm, Nam Trung Bộ 2 trạm, Tây Nguyên 9 trạm, đồng bằng sông Cửu Long 5 trạm).

Tính đến năm 2021, mạng lưới trạm quan trắc nước dưới đất thuộc Trung ương quản lý có 412 điểm với 805 công trình. Các lưu vực sông có trạm quan trắc đạt 100% so với quy hoạch đến năm 2030 đã phê duyệt gồm lưu vực sông Cả, Gianh, Thạch Hãn, Nhật Lệ, Hương, Vu Gia – Thu Bồn.

Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021 sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng theo quy định tại Khoản 2 điều 11 Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mộc Trà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết