Hình thành lực lượng lao động chất lượng cao, bắt kịp trình độ các nước G20
“Chính phủ đã có chủ trương và chính sách nhằm đào tạo và hình thành một lực lượng lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN-4 và G20” - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 11/11.
Sẽ hình thành khoảng 80 trường đào tạo chất lượng cao
Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn TP. Hà Nội nêu vấn đề: Chúng ta đang có một làn sóng kép người lao động về quê, chứ không phải chỉ có một làn sóng về quê để lánh dịch.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra và chắc chắn là trong thời gian tới, dưới tác động của quá trình tự động hóa và áp dụng những thành quả khoa học kỹ thuật, một loạt người lao động trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ phải quay trở lại thôn quê.
Do đó, vấn đề việc làm đang trở thành vấn đề rất quan trọng trong thời kỳ cuộc cách mạng 4.0 này. Chính vì vậy, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể từ phía Chính phủ và từ phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hơn nữa, về vấn đề đào tạo nghề, hiện nay cứ 4 người lao động, mới chỉ có 1 người lao động được đào tạo nghề mà có tay nghề. Vậy trong thời gian tới, giải pháp nào để tạo đột phá trong đào tạo nghề để chúng ta ngang bằng với các nước ASEAN? Đặc biệt, vấn đề đối tác công - tư được áp dụng trong lĩnh vực này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - đoàn Lào Cai cũng nêu câu hỏi, dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng nhiều tới các lĩnh vực, các đối tượng, trong đó có lực lượng lao động. Qua đây, chúng ta thấy vai trò to lớn của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Xin Bộ trưởng cho biết các chính sách trung tâm và chương trình chuẩn bị lực lượng lao động và chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như thế nào?
Trả lời các câu hỏi của đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta có một lực lượng lao động rất dồi dào 55 triệu người, nhưng chúng ta cũng phải cùng lúc giải quyết hai bài toán: Chăm lo nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung, nhất là trong điều kiện hiện nay 65% lực lượng lao động có đào tạo, nhưng chỉ có 24,5% là có chứng chỉ, bằng cấp, so với mặt bằng chung của các nước ASEAN là tương đối thấp.
Cùng với đó, xu hướng tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ làm thay đổi bản chất của công việc. Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế đối với chúng ta, trong 5 năm tới sẽ có khoảng 1/3 công việc sẽ thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi mà kỹ năng lao động không được nâng lên.
"Chính vì vậy, trong mục tiêu chúng ta đặt ra đến hết 2025, chúng ta có khoảng 30-35% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ và đến năm 2030 phấn đấu 40-45%. Đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu, thứ nhất là phải đào tạo và đào tạo lại nâng cao tay nghề, đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới. Việc đào tạo sẽ tiến hành chủ yếu bằng cả hai địa bàn: Thông qua các doanh nghiệp là chính và đào tạo thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nói chung.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương và chính sách nhằm đào tạo và hình thành một lực lượng lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN-4 và G20, trọng tâm ở đây Chính phủ đã và đang chỉ đạo đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, lấy điều này làm nền tảng trong đào tạo nghề.
" Chính phủ đã cho phép sẽ hình thành khoảng 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này" - người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, đồng thời cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã cho quyết định là đồng ý thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành, có chức năng dẫn dắt đào tạo nghề trong tương lai.
Trong đó, tập trung đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm, đang đòi hỏi lao động chất lượng cao. Đặc biệt, thành lập 3 trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam theo tinh thần này. Đào tạo nghề sẽ tiếp tục theo hướng mở, liên thông, linh hoạt, bao trùm gắn với học tập và việc học tập, nâng cao tay nghề suốt đời.
Về vấn đề hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, thị trường lao động là một trong các thị trường quan trọng của nền kinh tế. Trong giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi coi hợp tác công - tư là nguồn lực quan trọng trong phát triển, nhất là khi chúng ta coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển.
"Thời gian tới, quan điểm của chúng tôi là sẽ rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng lao động" - Bộ trưởng nói.
Với câu hỏi của đại biểu Lan Anh về chương trình chuẩn bị cho lao động chuyển đổi thời cách mạng 4.0, Bộ trưởng nhận định, chuyển đổi số có thể làm mất đi việc làm của nhiều người nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới về việc làm chất lượng. Theo đó, cần đẩy mạnh thu hút để đào tạo và đào tạo lại, rà soát cơ chế chính sách trong đào tạo nghề nghiệp, nhất là cơ chế đẩy mạnh hợp tác 3 nhà trong đào tạo nghề.
An toàn mới sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn
Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp nêu vấn đề áp dụng phương thức “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm” ở một số nơi chưa phù hợp, sinh hoạt rất khó khăn, có thể lây nhiễm, gây tâm lý bất ổn cho người lao động và doanh nghiệp, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Nhưng vì không thể đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, doanh nghiệp đành phải chấp nhận sản xuất, nếu vẫn còn áp dụng sau này, Bộ trưởng có chia sẻ gì về gánh nặng này đối với doanh nghiệp? Bên cạnh đó, nhiều lao động phi chính thức, lao động tự do, người lao động không đăng ký tạm trú phản ánh chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, dư luận bức xúc trước việc hỗ trợ thiếu sự công bằng. Xin Bộ trưởng chia sẻ vấn đề này cho cử tri?
Đối với việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mô hình 3 tại chỗ và một số mô hình trong phòng, chống dịch trước khi Việt Nam áp dụng, thì các nước như Singapore và Indonesia đã áp dụng mô hình này. Ở nước ta, Bắc Ninh, Bắc Giang là những tỉnh đầu tiên áp dụng. Trên cơ sở đó một số địa phương cũng đã áp dụng mô hình này.
Bộ trưởng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 nói chung không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp, địa phương trong phòng, chống dịch. Nguyên tắc của Chính phủ và Ban chỉ đạo đưa ra là an toàn mới sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn. Do đó, từng địa phương xem xét, quyết định trên thực tế cũng như khả năng thực hiện của mình.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rất chia sẻ vì mô hình “3 tại chỗ” chỉ thực hiện tốt nhất ở doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, qua báo cáo của các địa phương, khảo sát các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, có thể thấy rằng, hầu như các mô hình này chỉ phù hợp khi áp dụng trong một thời gian ngắn, quy mô vừa phải.
Về vấn đề một số người lao động tự do chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, do điều kiện giãn cách khó khăn, đối tượng phục vụ cùng một lúc quá lớn, thậm chí có tới hàng chục triệu người cùng một thời điểm và yêu cầu gấp gáp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đối tượng trong diện được nhận hỗ trợ để điều chỉnh, để những người chưa nhận được hoặc chậm được nhận sẽ tiếp cận chính sách này.
Quỳnh Nga - Lan Anh