Hòa Bình: Tăng cường ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng
Trong thời gian qua, Sở Công Thương Hòa Bình đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo Sở Công Thương Hòa Bình, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đi vào nề nếp, hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ.
Kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình |
Sở đã ban hành các công văn triển khai công tác ATTP ngành Công Thương đến UBND các huyện, thành phố; phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, phòng kinh tế thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đã được tăng cường.
Qua đợt kiểm tra giúp các ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, kịp thời nhắc nhở và xử lý những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở Công Thương chủ trì 2 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 26 cơ sở, phát hiện 7 cơ sở vi phạm; phối hợp, cử cán bộ tham gia 4 đoàn kiểm tra liên ngành. Bên cạnh đó, Sở đã thành lập 1 đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về ATTP được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Sở cũng hoàn thành xây dựng mô hình chợ đảm bảo ATTP tại các chợ: Chợ Dạnh - xã Đông Bắc, chợ Trám - xã Hùng Sơn, chợ Chỉ - xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; xác nhận kiến thức về ATTP.
Trong năm 2022, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, quán triệt Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới năm 2020; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ATTP; xây dựng, nhân rộng, hỗ trợ các đề án, mô hình điểm đảm bảo ATTP; tuyên dương đối với các cá nhân, tổ chức có đóng góp trong công tác đảm bảo ATTP.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm về đảm bảo ATTP, thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về đảm bảo ATTP.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hòa Bình, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP ngành Công Thương từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện còn thiếu, gây khó khăn cho công tác triển khai các văn bản hướng dẫn cũng như nắm bắt tình hình. Chưa kể, công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn thủ công; thiếu kinh phí để triển khai nhiệm vụ.
Theo đó, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, điều tra cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến cơ sở; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin an toàn thực phẩm để kết nối cơ sở dữ liệu từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho cấp tỉnh trong triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương.
Ngoài ra, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ATTP trong hoạt động thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ đúng theo phân cấp quản lý của Luật ATTP để tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo hoặc bỏ sót gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Quỳnh Nga