Hội thảo sáng kiến tiết kiệm điện trên nền tảng EPoint
Sáng 22/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) và Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Quốc tế (ICOM) phối hợp tổ chức hội thảo "Sáng kiến tiết kiệm điện trên nền tảng EPoint" với mong muốn thúc đẩy hành vi khách hàng giảm tiêu dùng điện, tạo thói quen tiết kiệm điện thông qua việc tích điểm, nhận thưởng từ các chương trình tiết kiệm điện.
Tham dự chương trình còn có đại diện của nhóm nghiên cứu gồm các giáo sư tại Trường Đại học San Diego (Hoa Kỳ) và đại diện lãnh đạo của 5 tổng công ty điện lực trực thuộc tập đoàn.
Trưởng Ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng chủ trì hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN - chủ trì hội thảo cho biết, năm 2020, EVN đã giao EVNHANOI thí điểm mô hình ứng dụng tích điểm EPoint nhằm tạo ra phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngành Điện. Trải qua hơn 3 năm, EPoint không chỉ mang lại những tiện ích cho khách hàng và còn hỗ trợ khách hàng tiết kiệm điện và đem đến những trải nghiệm mới đối với khách hàng.
Thông qua ứng dụng EPoint, khách hàng tự nắm bắt được hành vi sử dụng điện của mình, EVN cũng hiểu được hành vi sử dụng điện của khách hàng để từ đó, có những hỗ trợ kịp thời, cung cấp thông tin cho khách hàng, tạo ra những thay đổi tích cực trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Quốc tế phân tích những hiệu quả của sáng kiến tiết kiệm điện trên nền tảng EPoint, những nghiên cứu của các giáo sư tại trường Đại học Virginia (Hoa Kỳ) trong việc thay đổi hành vi sử dụng điện của khách hàng để từ đó xem xét việc hoàn thiện và nhân rộng mô hình này trong toàn tập đoàn.
Theo đó, EPoint là một ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng công ty điện lực Thành phố Hà Nội được ra mắt với sứ mệnh đưa công nghệ áp dụng thực tiễn vào các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức, thay đổi hành vi khách hàng tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, EPoint đồng hành cùng EVN trong việc nâng cao trải nghiệm sử dụng điện. Hiện nay, EPoint có 1,3 triệu người sử dụng, tỷ lệ khách hàng hoạt động trên ứng dụng hàng ngày là 25-30% (cao hơn 150% so với thị trường); tỷ lệ tăng trưởng khách hàng mùa nắng nóng là 200 - 300%.
Nhóm các giáo sư tại trường Đại học San Diego (Hoa Kỳ) đưa ra một số ý tưởng thúc đẩy hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả từ khách hàng. |
EPoint đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc thay đổi hành vi sử dụng điện, góp phần giảm thiểu điện năng tiêu thụ trong mỗi hộ gia đình. Điển hình, EPoint đã triển khai hai chương trình tiết kiệm điện và thu về những hiệu quả đáng ghi nhận như: chương trình "Cuộc đua Tiết kiệm điện 2022" với 7.588 khách hàng tham dự, 72,78% khách hàng tiết kiện điện thành công thông qua chương trình; Chương trình "Tiết kiệm điện - Giữ hè xanh 2023" với kịch bản chia nhóm linh hoạt và hình thức trả thưởng đa dạng, nhiều giá trị khác nhau dưới các hình thức: voucher thanh toán điện và điểm thưởng EPoint... Hay chương trình "Tiết kiệm điện IOT Đà Nẵng" với sự chủ trì của Sở công thương Đà Nẵng và sự hỗ trợ của Tổng công ty điện lực miền Trung, được đánh giá là một trong những chương trình trọng điểm trong năm 2024.
Trong thời gian tới, EPoint định hướng mở rộng khả năng phát triển các chương trình xanh, tiết kiệm năng lượng hướng tới mục tiêu ZEROCARBON; Triển khai các chương trình theo mục tiêu của EVN với kịch bản sáng tạo, đa dạng thông qua hình thức khuyến khích bằng điểm thưởng; Dùng điểm thưởng để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu mà EVN hướng tới khách hàng như tiết kiệm điện, thanh toán online, thay đổi nhận thức...
Đánh giá về vai trò dẫn dắt của EPoint trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả, bà Tô Lan Phương, Trưởng Ban Kinh doanh EVNHANOI nhận định, các chương trình EPoint luôn được cải thiện để khuyến khích khách hàng (KH) tham gia và hiểu hơn về các chính sách của EVNHANOI. EPoint sử dụng hệ thống thu thập và phân tích hành vi của khách hàng trên ứng dụng, nên đáp ứng việc truyền thông đúng đối tượng. Đặc biệt, khách hàng có thể tích điểm thưởng khi tham gia các chương trình và sử dụng điểm EPoint để đổi ưu đãi của các đối tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại hội thảo, Giáo sư Tạ Lan Chi, giáo sư kinh tế - đại diện cho nhóm các giáo sư tại trường Đại học San Diego (Hoa Kỳ) cũng đưa ra một số ý tưởng để thúc đẩy hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả từ khách hàng sử dụng điện như: rút ngắn thời gian chương trình/thi đua; thiết kế chương trình riêng cho từng nhóm khách hàng khác nhau; thiết kế chương trình để khuyến khích khách hàng giảm tiêu dùng trong nhưng khung giờ cao điểm, những ngày cao điểm, hay trong những sự kiện khẩn cấp để tránh quá tải/sự cố; thiết kế chương trình để đánh vào tâm lý tiêu dùng của từng thành viên khác nhau trong gia đình với mục đích là tiết kiệm điện cho hộ gia đình; thiết kế chương trình tiết kiệm điện từ sử dụng thiết bị thông minh...
Chương trình cũng lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các tổng công ty điện lực trong toàn tập đoàn. Đa phần các đại biểu đều ghi nhận tính hiệu quả của sáng kiến tiết kiệm điện trên nền tảng EPoint. Trong bối cảnh tiết kiệm năng lượng là quốc sách của quốc gia, các đại biểu tham dự cho rằng việc khuyến khích tiết kiệm điện và thay đổi hành vi khách hàng càng phải được thực hiện nghiêm túc. Nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến để tháo gỡ những vướng mắc, góp phần đưa mô hình này nhân rộng toàn tập đoàn.
Được biết, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, chiếu sáng công cộng, cho đến tiêu thụ năng lượng tại công sở và hộ gia đình. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết số 55 - NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. |