Ký thỏa thuận hợp tác phát triển rừng bền vững
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác thành công với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã thể hiện quyết tâm trong quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Ngày 6/12, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Hợp phần quản lý rừng bền vững thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ không hoàn lại. Lễ ký kết được tổ chức tại tỉnh Nghệ An
Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Ban quản lý các dự án lâm nghiệp làm chủ với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam, cũng như đảm bảo tính bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị cao.
Lễ ký kết giữa Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam với Hợp phần quản lý rừng bền vững do USAID tài trợ
Theo Phó trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC Vũ Văn Hưng, việc ký kết thỏa thuận hợp tác không chỉ gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp với dự án mà còn hỗ trợ các chủ rừng, các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã trong vùng chủ động quản lý, kinh doanh rừng bền vững, qua đó góp phần tích cực trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
VFBC được thực hiện từ năm 2021 - 2026, triển khai trên địa bàn 11 tỉnh trong đó có Nghệ An. Theo đó, việc đạt được thỏa thuận trên sẽ góp phần hỗ trợ tỉnh Nghệ An chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh bằng cách nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất gỗ lớn có cấp chứng chỉ rừng với sự tham gia của khu vực tư nhân và khu vực cộng đồng, tạo mối liên kết lâu dài giữa Công ty TNHH Biomass Fuel và các hộ trồng rừng sản xuất.
Đại diện Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam cho biết, việc hợp tác còn giúp đảm bảo sự tham gia của người dân để phát triển chuỗi giá trị keo gỗ lớn, hướng tới cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 5.000ha rừng, tăng cường hấp thụ carbon; tăng giá trị, năng suất rừng trồng, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn bền vững cho người dân bản địa, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.
Tại buổi ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ, Nghệ An sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, riêng khu dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận với diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Công tác phát triển vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến được quan tâm, chú trọng, các cơ chế, chính sách đầu tư từng bước được hoàn thiện. Trên địa bàn bước đầu áp dụng phương án quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng, đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường xuất khẩu gỗ, đồng thời cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn vẫn đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn thấp, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn còn hạn chế. Sản phẩm rừng trồng chủ yếu còn xuất nguyên liệu thô hoặc sơ chế đơn giản dẫn đến chuỗi giá trị hàng hóa thấp. Giá trị đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành…
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác giữa Biomass Fuel Việt Nam và Hợp phần quản lý rừng bền vững.
Trước đó, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp đã triển khai thực hiện 3 dự án tại tỉnh Nghệ An với tổng vốn ODA khoảng 21 triệu USD bao gồm: 2 dự án vốn vay (dự án Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển); 1 dự án viện trợ không hoàn lại (dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học).
Khả Như (T/H)