|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật sư hiến 5 “kế” tạo hành lang pháp lý giúp Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp Nhà nước

Để dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể giúp các doanh nghiệp Nhà nước làm tốt vai trò tiên phong, mở đường cho nền kinh tế với sự đồng hành của Chính phủ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã nêu 5 nội dung cho rằng cần bổ sung vào dự thảo.

Luật sư hiến 5 “kế” tạo hành lang pháp lý giúp Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp Nhà nước
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện dựa trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành tại Luật số 69/2014/QH13, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Luật còn nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải tiên phong, giữ vai trò mở đường của nền kinh tế. Góp ý xây dựng dự thảo Luật về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất đồng hành cùng các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có các trao đổi với PetroTimes.

Luật sư hiến 5 “kế” tạo hành lang pháp lý giúp Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp Nhà nước

“Để doanh nghiệp Nhà nước có thể thực hiện nhiệm vụ tiên phong, cần bổ sung các cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các ngành nghề chiến lược”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Ảnh minh họa)

Theo Luật sư Hà, để tạo hành lang pháp lý giúp Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp Nhà nước trong vai trò tiên phong và mở đường trong nền kinh tế, tại dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), có thể xem xét bổ sung các nội dung sau:

Thứ nhất, quy định rõ quyền chỉ đạo chiến lược phát triển, dự thảo Luật có thể xem xét cho phép Thủ tướng Chính phủ được ban hành định hướng chiến lược và lộ trình phát triển kinh tế cụ thể cho các doanh nghiệp Nhà nước trong những ngành, lĩnh vực trọng điểm. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp chủ động triển khai kế hoạch phát triển đồng bộ với chính sách kinh tế vĩ mô quốc gia, khẳng định vị trí đầu tàu, chủ lực của mình trong nền kinh tế.

Thứ hai, thiết lập cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chiến lược. Để doanh nghiệp Nhà nước có thể thực hiện nhiệm vụ tiên phong, cần bổ sung các cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các ngành nghề chiến lược, bao gồm hỗ trợ về tài chính, chính sách ưu đãi hoặc các biện pháp khuyến khích khác. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhà nước huy động và tối ưu hóa nguồn lực, phát huy hiệu quả trong lĩnh vực then chốt, giúp định hướng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Thứ ba, quyền điều chỉnh danh mục đầu tư theo giai đoạn, dự thảo Luật cần trao thẩm quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhà nước cần tập trung đầu tư. Quy định này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể phản ứng kịp thời trước những biến động kinh tế trong và ngoài nước, giữ được tính linh hoạt và cạnh tranh.

Thứ tư, xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động, để đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, dự thảo Luật nên quy định về một cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả định kỳ từ Chính phủ. Điều này giúp kịp thời phát hiện các vướng mắc, đưa ra điều chỉnh cần thiết trong chính sách hoặc yêu cầu doanh nghiệp thay đổi phương thức hoạt động để đạt được mục tiêu đề ra. Cơ chế giám sát này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp mà còn tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Thứ năm, khuyến khích phối hợp và hỗ trợ giữa các tập đoàn kinh tế, cần bổ sung quy định khuyến khích sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư trọng điểm, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp. Việc phối hợp này giúp các doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và tăng sức ảnh hưởng trong nền kinh tế.

“Như vậy, việc bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật không chỉ giúp tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp phát huy tối đa vai trò của mình trong nền kinh tế”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng từng có phần trao đổi với PetroTimes ủng hộ kiến nghị “Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia trong từng thời kỳ. Chính phủ ban hành Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp này” để tạo hành lang pháp lý giúp Chính phủ có thẩm quyền ban hành danh mục, cơ chế đặc thù cho các tập đoàn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Theo ông Hà, quy định này sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc quản lý và phát triển các doanh nghiệp Nhà nước chủ đạo trong nền kinh tế, giúp tạo một hành lang pháp lý linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước. Điều này không chỉ tăng cường quyền chủ động cho Chính phủ mà còn cho phép các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nhất là trong các lĩnh vực có vai trò cốt lõi như năng lượng, giao thông, và viễn thông.

Phương Thảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết