Mỹ sắp xây dựng nhà máy điện địa nhiệt công suất 2GW
Bộ Nội vụ Hoa Kỳ vừa đưa ra thông báo về việc đã thông qua dự án điện địa nhiệt Fervo Cape ở quận Beaver, bang Utah (Mỹ). Dự án khi đưa vào vận hành sẽ đủ cung cấp cho hơn hai triệu hộ gia đình.
Cụ thể, Dự án điện địa nhiệt Fervo Cape sản xuất năng lượng bằng cách bơm nước vào lớp đá gần mặt đất. Sau đó, hệ thống tách nước đã đun nóng để sản xuất điện, thay vì dựa vào nước nóng tự nhiên dưới lòng đất như các hệ thống địa nhiệt truyền thống.
Sản xuất năng lượng địa nhiệt ở Mỹ có thể tăng lên 90GW vào năm 2050. Nguồn ảnh: Adobe |
Dự án dự kiến được xây dựng với diện tích 255 hecta, bao gồm 60 hecta đất công. Dự án bao gồm 23 điểm khoan và hoàn thành giếng phun nước, đường ra vào, mạng lưới phân phối điện với đường dây truyền tải điện. Dự án cũng sẽ xây dựng một trạm biến áp, hệ thống đường ống thu gom chất lỏng địa nhiệt và nhiều cơ sở phụ trợ khác.
Dự án Fervo Cape là một hệ thống địa nhiệt nâng cao. Nếu như với hệ thống địa nhiệt tự nhiên hay còn gọi là thủy nhiệt đòi hỏi 3 yếu tố để sản xuất điện là nhiệt, chất lỏng và độ thấm nước, cho phép chất lỏng di chuyển tự do qua lớp đá dưới lòng đất để tạo ra nhiệt năng chuyển hóa thành điện năng, thì đối với dự án Fervo Cape, các đơn vị thi công sẽ tạo ra hồ nhân tạo để khai thác lượng nhiệt đó. Ngoài ra, chất lỏng được bơm vào sâu dưới lòng đất trong điều kiện kiểm soát cẩn thận nhằm tăng độ thấm nước. Nhờ đó, chất lỏng có thể tuần hoàn qua đá nóng và nóng lên. Nhà vận hành bơm nước nóng lên mặt đất, sản xuất điện cho lưới điện.
Dự án này có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển điện địa nhiệt trên toàn nước Mỹ nói riêng và trên khắp thế giới nói chung. Năng lượng địa nhiệt giúp sản xuất điện với lượng khí thải tối thiểu, đồng thời có thể sưởi ấm các tòa nhà, vận hành nhà kính và hỗ trợ hoạt động thủy canh.
Hiện nay, đã có 51 nhà máy điện địa nhiệt đang hoạt động trên đất công do Cục quản lý đất (BLM) quản lý.