Ngành cơ khí đón "sóng" hội nhập
Với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam đã và đang đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đây chính là cơ hội để doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước nâng cao năng lực sản xuất, bứt phá.
Năng lực chưa đủ mạnh
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 25.000 DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các DN cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Cùng đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các DN nước ngoài. Các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tính liên kết còn hạn chế; yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự,... vẫn còn yếu.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, ngành cơ khí đang phải cạnh tranh tương đối gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh.
Lĩnh vực cơ khí tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư |
Mặc dù Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày... tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Cùng đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp, trong đó có cơ khí dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững. Điều này đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực của các DN cơ khí trong nước, tăng tính liên kết cùng phát triển trong thời gian tới.
Thay đổi để đón đầu cơ hội
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, sự chuyển dịch về đầu tư có sự thay đổi tích cực trong những năm gần đây, trong đó, vốn đầu tư ngày càng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Một lượng lớn vốn FDI vẫn đang tiếp tục tìm đường vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí... Theo đó, lĩnh vực cơ khí tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các FTA thế hệ mới. Đón đầu xu thế, các DN có vốn FDI hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đang có xu hướng tăng đầu tư dự án sản xuất công nghệ cao.
Chia sẻ về cơ hội này, ông Trần Văn Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết cấu thép và Thiết bị nâng Việt Nam (Vinalift) - nêu ý kiến, các DN cần phải tạo thị trường bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá cả cạnh tranh, tập trung vào công tác marketing (vốn đang yếu đối với DN ngành cơ khí) giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, quản lý phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực. Ngoài ra, các DN nên lựa chọn một vài sản phẩm nghiên cứu và sản xuất chuyên sâu, tăng cường hợp tác lẫn nhau để tránh đầu tư dàn trải.
Theo ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, trong năm 2021, những DN sản xuất là những DN có nhiều cơ hội, bởi nhiều đơn hàng, nhà đầu tư chuyển hướng sang Việt Nam. Muốn đón được cơ hội này, các DN phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu, các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh. "Việc hỗ trợ các DN Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết. Trong tương lai, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần. Điều này buộc các DN phải liên kết mạnh mẽ hơn, những DN còn nhỏ, yếu về vốn, trình độ phải ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, công nghệ và đơn hàng" - ông Đào Phan Long gợi mở.
Ngoài việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng dự kiến triển khai nhiều dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như Quy hoạch điện giai đoạn 2021-2030, đường sắt tốc độ cao, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ôtô, xe máy… Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm cơ hội cho các DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các DN trong nước.
Để hỗ trợ ngành cơ khí, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các DN cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Theo Bộ Công Thương, ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho DN, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích DN đầu tư, mở rộng sản xuất đón sóng hội nhập. |
Lan Anh