Người lao động trong nền kinh tế số: Thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc
Kinh tế số cho phép người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Tuy nhiên, cũng không ít thách thức đặt ra, đó là khả năng sẵn sàng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Jeffrey Goss - Phó Hiệu trưởng phụ trách các chương trình tại Đông Nam Á, Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) - đưa ra con số đáng quan ngại: Khoảng 80% trong số 54 triệu lao động tại Việt Nam không có các kỹ năng phù hợp để tham gia vào nền kinh tế số. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động đến mọi DN, lĩnh vực, NLĐ, mang đến nhiều cơ hội mới, nhưng đặt ra không ít thách thức; cùng với sự cộng hưởng của dịch Covid-19, làm cho khó khăn càng nặng nề hơn.
Người lao động là nhân tố có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số |
Để vượt lên thách thức, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tổ chức công đoàn, NLĐ phải nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tiệm cận nhanh với thực tiễn để vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống. DN cần giữ vai trò tiên phong với sự dẫn dắt của nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. NLĐ là nhân tố có vai trò quan trọng, là người biến công nghệ thành sản phẩm, mang tình cảm, trách nhiệm của mình đến các sản phẩm, dịch vụ chung cho xã hội. Nhưng NLĐ không thể đứng một mình mà cần sự hợp tác, chung tay của các bên để biến mục tiêu thành hiện thực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh mọi nghề nghiệp đều liên quan đến công nghệ số, kỹ năng số, nếu không được đào tạo, NLĐ sẽ bị mất việc mà không tìm được việc mới; nhiều lao động lương thấp nhưng lại không có thời gian và chi phí cho việc đi học nâng cao tay nghề... chuyển đổi số giúp công đoàn có thể xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho 10 triệu thành viên. Học viên có thể thực hành tại phòng lab ảo bất kỳ lúc nào; học, tư vấn với giáo viên, thi bất cứ lúc nào…
Tuy nhiên, để cập nhật và điều phối được quan hệ lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì tổ chức công đoàn phải luôn có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, NLĐ, thể hiện trên 4 lĩnh vực: Công tác xây dựng chính sách pháp luật để có thể bảo vệ NLĐ từ xa, trên diện rộng và hiệu quả; đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tốt hơn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhiệt huyết, có kỹ năng đối thoại, thương lượng và truyền cảm hứng; xây dựng dự án chuyển đổi số trong toàn hệ thống.
“Điều quan trọng là cùng nhau xác định nhu cầu và tạo ra được các mô hình phù hợp, song phải mang tính đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Việc tổng hợp các góc nhìn khác nhau giúp thúc đẩy sự đổi mới theo định hướng có sự phối hợp, có được thông tin đầy đủ và mang tính tiến bộ” - ông Jeffrey Goss chia sẻ.
Thực tế thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có một số hoạt động thiết thực liên quan đến áp dụng công nghệ số, đó là triển khai phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến; thiết lập các kênh kết nối chia sẻ, thông tin với NLĐ qua zalo, facebook… qua đó góp phần hỗ trợ lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng lực trong môi trường DN cũng như ngoài xã hội có ý nghĩa quan trọng.
Với vai trò là tổ chức đại diện NLĐ, tổ chức công đoàn mong muốn cùng các bên hợp tác thiện chí và đưa ra những giải pháp hiệu quả, để cải thiện năng lực sẵn sàng thích ứng của NLĐ trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng, quan hệ lao động 4.0 đang hình thành ngày càng rõ nét. |
Thanh Tâm