|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển điện gió Việt Nam những gợi mở từ Na Uy

Vừa qua, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi (ĐGNK) của Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi mở để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng ĐGNK tại châu Á - Thái Bình Dươn

Phát triển điện gió Việt Nam những gợi mở từ Na Uy
PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận

Việt Nam có thể trở thành trung tâm ĐGNK

Thị trường ĐGNK Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang được ngành Dầu khí trong nước sử dụng, kết hợp với cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, có tiềm năng hỗ trợ phát triển lĩnh vực ĐGNK trong nước. Đơn đặt mua các bộ phận trong cấu trúc ĐGNK gần đây từ các thị trường quốc tế báo hiệu sự khởi đầu đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng cho ĐGNK tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo “Chuỗi cung ứng ĐGNK cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” của Đại sứ quán Na Uy đã đưa ra các đánh giá về phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp ĐGNK tại Việt Nam. Thứ nhất là đánh giá về cơ sở hạ tầng cảng nhằm cung cấp hiểu biết về cơ sở hạ tầng hàng hải hiện có của Việt Nam và đưa ra định hướng phát triển cảng trong tương lai, đồng thời xác định khả năng hỗ trợ hậu cần và vận hành các dự án ĐGNK.

Tiếp theo là đánh giá nhà cung cấp trong nước nhằm xác định các nhà cung cấp nội địa có khả năng cung cấp các bộ phận cho trang trại ĐGNK. Tập trung vào chế tạo móng, trụ, vỏ bọc và các lĩnh vực nổi bật cần cải thiện, từ đó cho phép các nhà cung cấp đáp ứng các nhu cầu đã có và đang ngày càng tăng đối với các bộ phận trong cấu trúc ĐGNK.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi phát triển ĐGNK tại Việt Nam, công nghiệp ĐGNK tạo việc làm khá lớn (thu nhập trung bình cao) sẽ tác động đến kinh tế - xã hội ở phương diện tạo thêm việc làm trong tương lai.

Phát triển điện gió Việt Nam những gợi mở từ Na Uy

Na Uy khẳng định hạ tầng ngành Dầu khí Việt Nam có đủ tiềm lực phát triển công nghiệp ĐGNK

Phát triển chuỗi cung ứng ĐGNK một cách hợp lý

Với độ sâu nước biển, khoảng cách tới bờ phù hợp và tài nguyên gió ngoài khơi tốt, diện tích lãnh hải rộng lớn của Việt Nam rất thích hợp cho việc phát triển ĐGNK. Bên cạnh đó, Việt Nam có sẵn chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp tương đương, có sự tương thích với năng lượng gió ngoài khơi, bao gồm dầu khí và điện gió trên đất liền. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng tận dụng kinh nghiệm hiện có trong các ngành công nghiệp tương đương để cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án ĐGNK.

Để phát triển ngành công nghiệp ĐGNK, mỗi quốc gia cần sớm có quyết định về địa điểm phù hợp, thuận lợi, hội tụ những lợi thế để sản xuất, kinh doanh lâu dài. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy về ĐGNK cho rằng có thể được chia thành hai vùng chính: miền Bắc và miền Nam.

Khu vực phía Nam/Nam Trung Bộ có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, đặc biệt là khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài việc có tốc độ gió cao và điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng ĐGNK, Ninh Thuận còn có tiềm năng phát triển các cảng quốc tế để phục vụ ngành công nghiệp ĐGNK.

Ngoài ra, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực lân cận với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương), trung tâm tiêu thụ điện năng. Do đó, việc tận dụng tiềm năng hiện có từ các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực phía Nam/Nam Trung Bộ và tránh truyền tải điện năng đi xa đã trở thành chìa khóa quan trọng trong những bước phát triển mới của ngành năng lượng tái tạo.

Các cảng biển ở khu vực Nam Trung Bộ chủ yếu đang trong giai đoạn phát triển theo định hướng quốc tế. Cảng TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu chuyên về đóng tàu, chế tạo thiết bị dầu khí và hàng hải quy mô lớn cũng như tàu thuyền. Tuy nhiên, gần đây, các cảng này đã nhận thầu sản xuất các bộ phận trong cấu trúc ĐGNK (bao gồm móng jacket và trạm biến áp ngoài khơi). Điều này không chỉ chứng minh cho khả năng hiện tại mà còn là bước đầu để xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành ĐGNK. Nhờ vào cơ sở hạ tầng sản xuất dầu khí hiện có, khu vực phía Nam có khả năng phát triển nhanh chóng hơn, có thể hoàn thành và đưa vào vận hành dự án ĐGNK vào năm 2030.

Việc phát triển trang trại ĐGNK đòi hỏi các chuỗi cung ứng phức tạp. Các bộ phận thường được sản xuất tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ được vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng, do đó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng cảng biển đủ mạnh cũng như kỹ năng chuyên môn vững vàng. Việt Nam sở hữu cơ sở hạ tầng cảng biển vững chắc với các kỹ năng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau (chế tạo kết cấu thép, năng lượng tái tạo và dầu khí).

Nhìn chung, để phát triển chuỗi cung ứng trong nước một cách hợp lý, nghiên cứu của Na Uy đưa ra gợi ý Chính phủ nên hợp tác song song với các bên liên quan về ĐGNK nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển một lộ trình dự án ĐGNK phong phú, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng toàn diện.

Phát triển điện gió Việt Nam những gợi mở từ Na Uy
Phát triển điện gió Việt Nam những gợi mở từ Na Uy
Na Uy và Việt Nam đều có đường bờ biển dài, nguồn lợi gió dồi dào. Doanh nghiệp Na Uy có nhiều năm kinh nghiệm và sở hữu các công nghệ tiên tiến trong phát triển ĐGNK; vận tải biển xanh; lưu trữ carbon; hydrogen, truyền tải điện...

Hải Phòng và Vũng Tàu cần được nâng cấp thành cảng ĐGNK

Tại Việt Nam, các cảng phía Bắc, bao gồm cả các cảng ở cụm cảng Hải Phòng, hiện ít quan tâm đến việc hỗ trợ ngành ĐGNK. Điều này cũng dễ hiểu khi xét đến tình trạng thiếu chắc chắn của khung chính sách ĐGNK và lộ trình tiếp cận thị trường trong nước. Tuy nhiên, do đa phần nguồn cung thép trong nước đều ở phía Bắc hoặc nhập khẩu từ các nước phía Bắc khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các cảng phía Bắc có thể trở thành trung tâm hậu cần đối với móng hoặc trụ nếu thành lập các cơ sở chế tạo.

Bước đi chiến lược này - tham gia vào lĩnh vực chế tạo móng - có thể đặt các cảng này vào vị thế là những cảng tiềm năng cho các dự án ĐGNK sắp tới, khiến khu vực cảng Hải Phòng và Quảng Ninh ở một mức độ nào đó trở thành một thành tố quan trọng trong lộ trình phát triển ĐGNK của Việt Nam.

Ngược lại, các cảng phía Nam cho thấy khuynh hướng thuận lợi hơn, có thể do ảnh hưởng từ sự tồn tại từ lâu của ngành Dầu khí. Một địa điểm đáng chú ý có thể kể đến cụm cảng Vũng Tàu, nơi Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang tiên phong trong lĩnh vực ĐGNK. Với cơ sở hạ tầng vững chắc, cơ sở vật chất tốt và bề dày kinh nghiệm, các cảng ở Vũng Tàu có thể khẳng định sẽ là đối tác có năng lực và đáng tin cậy trong ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi. Các dịch vụ đa dạng tại đây có thể bao trùm toàn bộ vòng đời dự án, thể hiện cam kết phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy cho thấy, để các cảng chuyển dịch sang cảng dịch vụ ĐGNK vào năm 2030 chỉ cho phép khoảng thời gian chuẩn bị giới hạn là 2 năm. Do đó, không thể mong đợi những cải tiến lớn, chỉ có cơ sở vật chất hiện tại sẵn có để hỗ trợ dự án ĐGNK. Dựa trên phân tích, Việt Nam không có khả năng sản xuất máy phát điện turbine gió (WTG) và cáp ngầm, ngoại trừ các trụ.

Vì vậy, dự án sẽ phải nhập khẩu các bộ phận trên. Cụ thể hơn, các dự án ĐGNK nằm trong khu vực biển Bình Thuận có thể tận dụng chuỗi cung ứng dầu khí đã có từ lâu tại khu vực Vũng Tàu. Móng WTG (3 chân, 4 chân, jacket, cọc đơn), móng trạm biến áp ngoài khơi và trạm biến áp ngoài khơi có thể được chế tạo và tập kết tại cụm cảng Vũng Tàu (gồm các cảng PTSC, Vietsovpetro, PVC-MS, PV Shipyard).

SREC hiện đang được xây dựng cơ sở cọc đơn và sẵn sàng hoạt động vào năm 2024, SREC có thể nhận thầu (phụ) cho móng của WTG; Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PV PIPE) và Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV GAS COATING), nằm gần cụm cảng Vũng Tàu, có thể nhận thầu (phụ) các bộ phận phụ trợ (tấm kim loại, đường ống...), cùng với các dịch vụ tại chỗ (thử nghiệm NDT, bảo vệ chống ăn mòn, bảo vệ cách điện...). Có thể chế tạo trụ tại SREC và/hoặc CS Wind.

Đối với các dự án ĐGNK nằm tại khu vực biển Hải Phòng, các dự án có thể sử dụng: Cụm cảng Hải Phòng (gồm các cảng PTSC Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ) là trung tâm tập kết. Các lựa chọn khác bị hạn chế ở khu vực phía Nam do ngành công nghiệp ĐGNK tại khu vực còn chưa phát triển mạnh mẽ.

Phát triển điện gió Việt Nam những gợi mở từ Na Uy
Công trường thi công chân đế ĐGNK tại cảng PTSC, Vũng Tàu

Chuyển giao từ ngành Dầu khí sang ngành ĐGNK

Báo cáo “Chuỗi cung ứng ĐGNK cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” của Đại sứ quán Na Uy đã có nhiều phân tích, đánh giá sát thực tế về ngành công nghiệp ĐGNK của nước ta. Từ đó, báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị quý giá, có tính định hướng chính sách cực kỳ quan trọng trong thời điểm cả thế giới đang chạy đua vào kỷ nguyên chuyển dịch năng lượng.

Theo đó, với tiềm năng phát triển to lớn, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng cơ hội mở rộng công suất điện gió nhờ vào lợi thế về chi phí. Phân tích cho thấy, ngành Dầu khí nội địa Việt Nam đã hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng hiện tại, điều này đóng vai trò quan trọng vì có nhiều dịch vụ và hoạt động có thể được chuyển giao sang ngành ĐGNK. Việc chuyển giao năng lực kỹ thuật từ ngành Dầu khí đã có trong các thị trường ĐGNK mới nổi, vì hoạt động này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chuỗi cung ứng nội địa với mức đầu tư thấp.

Khả năng chuyển giao từ ngành Dầu khí sang ngành ĐGNK đã được Đại sứ quán Na Uy liệt kê rõ các khía cạnh, gồm: Ngành Dầu khí Việt Nam có khả năng chuyển giao quản lý dự án, khảo sát kỹ thuật; Khảo sát địa điểm đặt trang trại điện gió có sự tương đồng ở một mức độ cho cả các dự án dầu khí và ĐGNK; Các thủ tục cấp phép để được cấp giấy phép khai thác dưới đáy biển được thực hiện tương tự, nhưng thủ tục đối với các cuộc khảo sát có thể có sự khác biệt.

Các nhà quản lý dự án dầu khí có thể quản lý các hoạt động khác nhau để phát triển các dự án ĐGNK; Các thiết kế lớn thi công một lần có quy mô tương đồng với các dự án dầu khí (móng, turbine...); Sử dụng bộ kỹ năng tương đồng cần thiết để sản xuất các bộ phận mô-đun (dịch vụ hỗ trợ lắp đặt, kết cấu thép...); Các tàu sử dụng để lắp đặt giàn khoan dầu khí cũng có thể lắp đặt các dự án ĐGNK như ở các thị trường khác dịch vụ bảo trì và kiểm tra; Công tác kiểm tra dưới mặt biển: Hoạt động kiểm tra dưới nước ở hai ngành đều giống nhau. Có thể sử dụng thợ lặn và các phương tiện vận hành từ xa cho các hoạt động này.

Báo cáo “Chuỗi cung ứng ĐGNK cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” của Đại sứ quán Na Uy nhấn mạnh, ngành Dầu khí đã giúp phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng vững chắc cho Việt Nam về lĩnh vực sản xuất móng và trụ cũng như cảng tập kết - đây là hai thành tố quan trọng khởi đầu cho chuỗi giá trị cơ bản của công nghiệp ĐGNK.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, tiềm năng ĐGNK của Việt Nam vào khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035. WB cũng lưu ý Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch.

Thành Công


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết