Ra mắt ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày 19/10, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình Nghiên cứu biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS) Đông Nam Á tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn chính sách và ra mắt bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP).
CS-MAP là phương pháp tiếp cận có sự tham gia, tích hợp kiến thức địa phương với nghiên cứu khoa học để xây dựng bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho sản xuất lúa, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Bản đồ đã được triển khai tại 5 vùng sinh thái của Việt Nam và phát huy hiệu quả trong việc giúp nông dân giảm thiểu, ứng phó rủi ro thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.
CS-MAP có thể được lồng ghép vào các chính sách và kế hoạch của ngành và quốc gia, ví dụ như Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để giảm thiểu biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp, Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước và vùng giai đoạn 2021 - 2025.
Lễ ra mắt bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu
Ở cấp địa phương, CS-MAP đóng vai trò là một công cụ thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và đã được đề xuất đưa vào kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm chuyển đổi đất trồng lúa) cũng như các kế hoạch khác.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao bộ ấn phẩm CS-MAP. Thứ trưởng nhận định, bộ ấn phẩm CS-MAP sẽ giúp nông dân lên kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ có thêm căn cứ để xây dựng kế hoạch sản xuất các mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó nâng cao sản lượng cũng như chất lượng nông sản tại địa phương.
Thứ trưởng yêu cầu: Cục Trồng trọt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CCAFS khu vực Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và các tổ chức quốc tế để mở rộng áp dụng bản đồ CS-MAP trên toàn quốc. Đồng thời, thí điểm và mở rộng trên các đối tượng cây trồng khác và lĩnh vực khác trong điều kiện phù hợp của từng địa phương.
Theo đó, các địa phương nên căn cứ vào thông tin, phương pháp trong bộ tài liệu để bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng và nhiều vùng với nhau để đem lại hiệu quả cao nhất.
Trong buổi làm việc, đại diện các cơ quan của Bộ NN&PTNT và CCAFS Đông Nam Á đã cùng thảo luận chi tiết về các yếu tố thành công và tiềm năng của CS-MAP, cơ hội và rào cản trong việc tích hợp CS-MAP vào chính sách và kế hoạch của Chính phủ, cũng như ưu tiên về mặt chính sách, kỹ thuật, tài chính, nguồn nhân lực và hỗ trợ nâng cao năng lực.
Minh Khang (T/H)