Sản xuất “3 tại chỗ”: Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án diễn tập với mọi tình huống
Mặc dù đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” gồm: Sản xuất tại chỗ; ăn tại chỗ; nghỉ ngơi tại chỗ, nhằm giữ vững an toàn hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, một số nhà máy sản xuất đã xuất hiện những trường hợp F0, vì vậy các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng phương án diễn tập có trường hợp F0 để chủ động đối phó với mọi tình huốn
Đã xuất hiện F0 tại nhà máy sản xuất
Ngày 28/7, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) thông báo, từ ngày 19/7 đến ngày 27/7/2021, Công ty đã tổ chức thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho người lao động. Qua đó phát hiện 43 ca nhiễm Covid-19 (ca F0). Các ca nhiễm Covid-19 tập trung chủ yếu tại các bộ phận: Thu mua và cung ứng; bộ phận tiếp nhận nguồn lợn hơi.
Ngay sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm đầu tiên, Công ty VISSAN đã nhanh chóng phối hợp các đơn vị chức năng, kịp thời đưa các ca F0 đi cách ly theo quy định; đồng thời tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời các khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC). Với sự hỗ trợ của UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, Công ty VISSAN đã chuyển các ca F1 đến nơi tập trung trên địa bàn Quận Bình Thạnh.
Công ty VISSAN thông báo vẫn tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng đối với các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi các lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.
Sau khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" từ 28/6 cho 1.500 nhân viên, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm công nhân, công ty này đã phát hiện các ca dương tính.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 25/7, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương) đã có đơn đề nghị khẩn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương giải quyết cho Công ty liên quan đến việc doanh nghiệp có ca dương tính do Covid-19. Cụ thể, đối với F0 cơ quan y tế đưa đi điều trị, trường hợp F1 cho về nhà tự cách ly, theo dõi và điều trị tại địa phương. Nguyên nhân do, số lượng lao động làm việc theo tiêu chí "3 tại chỗ" của doanh nghiệp là 288 công nhân, trong đó có 248 ca dương tính (F0), con số này thực sự quá lớn, doanh nghiệp đã kiệt sức không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng chống dịch được nữa.
Trước thông tin về việc ngay khi có thông tin xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mà doanh nghiệp không báo cáo cho ngành chức năng, ông Bùi Như Việt- Tổng Giám đốc Công ty Long Việt- cho biết, trước khi tổ chức hoạt động "3 tại chỗ", doanh nghiệp đã thực hiện test đầu vào toàn bộ người lao động có kết quả âm tính. Khi xảy ra ca nghi nhiễm (qua test nhanh) Công ty đã liên hệ ngay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương để được hỗ trợ và đến hôm sau CDC đến Công ty làm việc (có lập biên bản). Theo đó CDC có yêu cầu Cty phải thuê đơn vị y tế đến test PCR rồi gửi kết quả cho CDC xử lý. Tuy nhiên, khi đơn vị y tế xuống cty lấy mẫu test PCR thì phải mất từ 1 đến 3 ngày sau mới có kết quả (trừ ngày chủ nhật). Vì thế, đến sáng thứ 2 sau khi công ty có kết quả đã gửi ngay cho CDC và ngay tối đó CDC đã các ca F0 vào bệnh viện DC Tân Bình để chữa trị.
Trên thực tế, khi áp dụng "3 tại chỗ", dù ban đầu các doanh nghiệp có xét nghiệm rất kỹ thì cũng không tránh khỏi việc có thể xuất hiện các ca nhiễm. Nhưng điều họ hoang mang, lo lắng không phải là việc duy trì sản xuất như thế nào mà là những áp lực dư luận đè lên doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị các ngành chức năng, dư luận hãy giảm bớt gánh nặng pháp lý, gánh nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn kịp thời các phương án xử lý bởi nhiều khi doanh nghiệp cũng lúng túng.
Cần xây dựng phương án diễn tập tình huống có F0 tại doanh nghiệp
Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương tỉnh (BIFA), khảo sát 100 doanh nghiệp, có 71 doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ"; 29 doanh nghiệp đóng cửa. Số ca F0 đã xuất hiện tại một số doanh nghiệp như Long Việt, Hoa Net, Tân Nhật, Minh Dương, SKS Furniture, Vietnam Housewares,…
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" khá tốn kém và nhiều khó khăn như: Nhiều công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung; doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất; lo có đủ nguyên liệu để sản xuất không vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy.
Nhưng nhiều doanh nghiệp quyết định vẫn duy trì sản xuất vì nếu nhà máy đóng cửa, nghỉ dịch thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy. “Chúng tôi làm "3 tại chỗ" không phải vì lợi ích của doanh nghiệp vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều nhưng vẫn chọn phương án này vì làm trong điều kiện "3 tại chỗ", công nhân vẫn có thu nhập trong mùa dịch”, ông Phạm Ngọc Phước- Giám đốc An Khang Furniture- chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" với những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, theo các lớp, với những vùng sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân được bố trí riêng biệt, thoáng mát. Thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của công nhân với tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tuy nhiên, những rủi ro không lường trước được vẫn có thể xảy ra.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần phân tán rủi ro và chuẩn bị sẵn mọi tình huống. Theo đó, cùng với việc thực hiện chia tổ, tách đội sản xuất thì bản thân đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp cũng phải phân chia theo nhóm để quản lý, phòng trường hợp có người không may dương tính với Covid-19 còn có đội ngũ tiếp quản.
Các doanh nghiệp chưa có F0 cần phải xây dựng tình huống diễn tập ngay. Ví dụ, nếu doanh nghiệp có trường hợp F0 thì sẽ thực hiện như thế nào. Việc này không phải dễ, nhưng đây là phương pháp về quản lý ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Thiết lập đường dây với cơ quan CDC gần nhất. Trong trường hợp khi nhà máy phát hiện ca F0 thì người quyết định cao nhất phải bình tĩnh, đưa F0 ra khỏi khu cách ly, phân luồng F1 và F2. Truyền thông, nói chuyện với cán bộ công nhân để họ bình tâm bởi công tác an toàn và lấy lại tinh thần cho cán bộ, công nhân viên là vấn đề tiên quyết. Doanh nghiệp muốn nhưng cần có những hành động cụ thể. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho doanh nhiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, cũng được các chuyên gia khuyến nghị.
Câu hỏi đặt ra doanh nghiệp có F0 thì có sản xuất tiếp tục sản xuất hay không? Chắc chắn, mỗi doanh nghiệp sẽ có những quyết định khác nhau. Sẽ không có quyết định nào là đúng, cũng không có quyết định nào là sai. Vì các quyết định này đều không dựa trên chi phí hay lợi nhuận của doanh nghiệp mà vì đời sống cán bộ công nhân viên- đây là yếu tố cốt lõi.
Nguyễn Hạnh