Tháng 1/2022: Nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 1 năm 2022 của Bộ Công Thương, trong tháng đầu năm 2022, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 1/2022, 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD; chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD; giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Hàng dệt may và may mặc đạt 3,3 tỷ USD; tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2022 ước tính đạt 29,5 tỷ USD; tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10 tỷ USD; giảm 4,3% so với tháng trước nhưng tăng 12,8%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD; giảm 8% so với tháng trước nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước tính đạt 29 tỷ USD
Trong tháng 1, 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD; giảm 7,4% so với tháng trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD; giảm 5%. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 2 tỷ USD, giảm 12%.
Ước tính tháng 1/2022, nhập siêu 0,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung vào một số nội dung chính sau:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cũng như các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, tích cực triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2022 với quyết tâm và nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.
Ba là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.
Bốn là, triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.
Năm là, tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2022. Hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2022
Sáu là, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch. Tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Bảy là, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành công thương được Quốc hội và Chính phủ giao năm 2022, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại chương trình hành động của ngành công thương thực hiện các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đức Dũng