Thanh toán không dùng tiền mặt: Dự báo chuyển đổi nhanh
Việt Nam sẽ có tốc độ chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhanh hơn trong vài năm tới. Lý do, xu hướng phát triển của Việt Nam đã lựa chọn là phát triển kinh tế số, xã hội số, cùng với đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng từ sử dụng tiền mặt sang ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán kỹ thuật số.
Nhận định về xu thế phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nêu trên, đã được bà Winnie Wong - Giám đốc Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đưa ra tại một diễn đàn bàn về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính mới đây.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng nhiều các nền tảng công nghệ số để thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán. Tại Việt Nam, trong năm 2020 đã ghi nhận số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, với tổng giá trị gần 84,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với 2019. Thay vì sử dụng tiền mặt, nhiều người tiêu dùng đã chủ động chọn các phương thức thanh toán mới không tiếp xúc trên cơ sở đảm bảo an toàn, bảo mật và sự tiện lợi khi đại dịch hoành hành. Trong đó, QR đã và đang được sử dụng khá nhiều và đa dạng vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh như truy vết tiếp xúc, khai báo y tế…, đồng thời sử dụng trong thanh toán mua bán.
Sử dụng QR trong thanh toán dự báo sẽ còn tiếp tục tăng ngay cả khi đại dịch qua đi. Bởi Chính phủ đang định hướng tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số, nơi mọi người dân sẽ có nhận dạng kỹ thuật số với mã QR vào năm 2025. Cùng với khoảng 70% dân số Việt Nam hiện đã sử dụng điện thoại thông minh, tỷ lệ sử dụng Internet cũng rất cao, phương thức thanh toán QR sẽ tiếp tục có nhiều tiềm năng phát triển mở rộng phạm vi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thanh toán điện tử. Ảnh minh họa |
Hơn một năm kể từ khi đại dịch xuất hiện, chúng ta đã chứng kiến rõ ràng sự năng động và khả năng tồn tại của các phương thức thanh toán không tiếp xúc. Nhu cầu ngày càng tăng về các tuỳ chọn thanh toán, cải thiện nhận thức về mã QR cũng như xu hướng mua sắm trực tuyến, cho thấy một động lực lạc quan để TTKDTM tiếp tục phát triển. Dự báo, mã QR, sinh trắc học và ví điện tử, sẽ là sự lựa chọn gia tăng khi người dùng ngày càng hiểu rõ lợi ích và sử dụng những công nghệ này, từ đó giúp giảm sử dụng tiền mặt.
Chính phủ đang thúc đẩy TTKDTM mặt qua các hình thức như ví di động, ứng dụng di động, ngân hàng trực tuyến...; tích hợp thanh toán điện tử vào các dịch vụ công và các dịch vụ khác (chẳng hạn như giải ngân quỹ an sinh xã hội và lương hưu...). Những sáng kiến này, cùng với tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại thông minh cao, thương mại điện tử bùng nổ, sự thay đổi thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng do tác động từ đại dịch Covid-10, sẽ khiến thị trường TTKDTM ngày càng sôi động hơn.
Tuy nhiên, theo bà Winnie Wong, TTKDTM tại Việt Nam hiện vẫn có những rào cản, đó là tỷ lệ người dân phụ thuộc vào tiền mặt cao, đặc biệt là sử dụng tiền mặt cho các giao dịch thanh toán thiết yếu hàng ngày có giá trị thấp ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay cả ở đô thị, tỷ lệ các giao dịch mua bán trực tuyến vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng rất cao, chiếm 80-90%. Do vậy, cần thúc đẩy nhận thức về thanh toán kỹ thuật số, thông qua giáo dục cộng đồng về lợi ích, tính an toàn, giúp người dùng an tâm khi sử dụng TTKDTM. Hướng tới nền kinh tế số toàn diện, cần phải giúp các tổ chức tài chính mở rộng dịch vụ số hóa tới người dân sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với các phương thức thanh toán mới hiện đại.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Câu lạc bộ Tài chính Fintech Việt Nam, cũng cho rằng: Trong 2 năm qua, TTKDTM tăng nhanh, nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố. Các đơn vị cung cấp dịch vụ (ngân hàng, fintech, mobile money) cần phải hợp tác kết nối liên thông trong một hệ sinh thái TTKDTM, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đảm bảo thuận tiện, dễ sử dụng, thuyết phục được người dùng về tính an toàn, bảo mật. Để có được một hệ sinh thái TTKDTM liên thông, thì vấn đề hành lang pháp lý phải đi trước mở đường.
Một số chuyên gia tài chính thì cho rằng, để thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán điện tử, cần khuyến khích TTKDTM cho các mặt hàng chi tiêu hàng ngày có giá trị thấp, nhằm thay đổi thói quen thanh toán. Chẳng hạn, các ưu đãi có thể ở dạng khuyến mãi khi sử dụng thanh toán điện tử để mua vé xem phim, đặt thực phẩm qua các trang web giao hàng trực tuyến, hay đặt xe... Sau đó, cần tích hợp thanh toán kỹ thuật số như một phần của cuộc sống thường ngày. Tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan (gồm ngân hàng, fintech, Chính phủ…) trong việc xây dựng một hệ sinh thái TTKDTM hướng tới người dùng.
Ngọc Quỳnh