|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và hydrogen

Ngày 25/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp lấy ý kiến dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm các khâu: lựa chọn nhà đầu tư; lập, phê duyệt FS; đàm phán hợp đồng mua bán điện; thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7 - 8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa những đơn vị có liên quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Trao đổi tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…), văn bản quy phạm pháp luật khác và liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương nên Bộ Công Thương cần báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền có cơ chế đặc thù để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc chưa được pháp luật quy định. Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị phải đẩy mạnh công tác truyền thông để xã hội và các cơ quan quản lý hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết trong triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen, cũng như những vấn đề đang vướng mắc trong thực tế nhằm tạo sự đồng thuận trong việc tìm ra giải pháp giải quyết phù hợp.

Các chuyên gia hiến kế tháo gỡ vướng mắc điện khí, điện gió ngoài khơi và

Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện khí và điện gió ngoài khơi là hai nguồn điện rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Đồng thời, chiến lược phát triển hydrogen là định hướng chính trị và là chiến lược quan trọng, là cơ sở để xây dựng những cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi thúc đẩy triển khai hoạt động sản xuất hydrogen tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng và phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, nguyên liệu hydrogen không chỉ nhằm mục tiêu phục vụ hoạt động phát điện “sạch” trong tương lai mà còn phục vụ trực tiếp một số ngành, lĩnh vực khác như giao thông…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đều cần phải được xem xét, giải quyết một cách khẩn trương, đồng bộ từ chủ trương đến cơ chế, chính sách. Để làm được việc này, cần có sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành chức năng và địa phương liên quan, cùng với nỗ lực của Bộ Công Thương ở vai trò chủ trì. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và chuyên gia tại hội nghị để hoàn thiện đề án, sớm báo cáo Chính phủ, trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành những chủ trương làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ, đóng góp ý kiến của các Bộ, ban, ngành liên quan và những chuyên gia đầu ngành, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên trong thời gian tới.

Đình Tú (t/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết