Tính đến tháng 8/2021: 21,11 tỷ USD đầu tư vào Vùng trung du và miền núi phía Bắc
Tính đến tháng 8/2021, Vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện có 1.169 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 21,11 tỷ USD, chiếm 3,43% tổng số dự án và 5,27% tổng vốn FDI đang đầu tư tại Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng 8 tháng đầu năm 2021, có 10/14 địa phương của Vùng thu hút được 41 dự án FDI mới, 48 lượt dự án tăng vốn và 49 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,06 tỷ USD, chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư so với cả nước trong 8 tháng.
Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu Vùng về thu hút FDI với 189 dự án, có tổng vốn là 8,83 tỷ USD, chiếm 41,86% tổng vốn đăng ký của cả Vùng. Tiếp theo là Bắc Giang và Phú Thọ với tổng vốn đăng ký lần lượt là 7,8 tỷ USD và trên 2 tỷ.
Các dự án đầu tư vào Vùng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 970 dự án, có tổng vốn đầu tư trên 19 tỷ USD chiếm 90,2% tổng vốn đầu tư của vùng. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Vùng trung du và miền núi phía Bắc với 627 dự án, có số vốn là 8,7 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư toàn Vùng, đứng thứ hai là Singapore và Trung Quốc, với số vốn đăng ký lần lượt là 3,54 tỷ USD và 2,8 tỷ USD.
Một số dự án FDI tiêu biểu đầu tư tại Vùng trung du và miền núi phía Bắc tính đến thời điểm này là: Các dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên đến 6,35 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH WINTEK Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,12 tỷ USD với mục tiêu sản xuất và gia công tấm cảm ứng, thiết bị hiển thị tinh thể lỏng LCD modum, dự án đầu tư tại Bắc Giang, nước đầu tư Samoa…
Vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Lai Châu. |
Nguyễn Hòa