Việt Nam tích cực trong công tác quản lý bền vững tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương
Nhằm tăng cường công tác quản lý bền vững tài nguyên nước trong khu vực, đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã có nhiều đánh giá, đề xuất về lĩnh vực này tại Diễn đàn Hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương lần thứ hai.
Diễn đàn Hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương lần thứ hai được tổ chức trong hai ngày 7 – 8/12 theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn có chủ đề là “Hợp tác giải quyết những thách thức và thúc đẩy sự phát triển chung” nhằm tiếp tục tăng cường đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước giữa 6 quốc gia thành viên (Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan). Đồng thời tăng cường việc thực hiện các quyết định của lãnh đạo cấp cao trong hợp tác Mê Kông - Lan Thương và những thỏa thuận tại các Hội nghị Bộ trưởng, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy việc cải thiện sinh kế của người dân thông qua hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương.
Quản lý bền vững tài nguyên nước và thúc đẩy sự phát triển chung các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông
Về phía Việt Nam, tham dự phiên khai mạc diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Ngoại giao, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc vì đã nỗ lực tổ chức diễn đàn để tạo cơ hội cho các nước đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nhận định, lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương, nơi sinh sống của hơn 60 triệu người đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và ngày càng gia tăng về mức độ các vấn đề như: cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học.
Theo đó, để giải quyết những thách thức nêu trên và bảo vệ sự thịnh vượng, văn hóa chung cho khu vực này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất: cần xây dựng một kế hoạch phát triển tổng hợp và bền vững cho toàn bộ lưu vực trên cơ sở xem xét các điều kiện cụ thể và lợi ích của mỗi nước thành viên; tăng cường quan hệ đối tác giữa các Chính phủ và các bên liên quan, bao gồm các tổ chức khu vực và quốc tế, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, xã hội dân sự. Các chính sách và hành động về quản lý tài nguyên nước phải phù hợp với mục tiêu phục hồi nền kinh tế xanh sau đại dịch Covid-19, phát triển bền vững trên cơ sở các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và các cam kết được đưa ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Bộ trưởng cũng khẳng định, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước để thực hiện những quyết định của lãnh đạo cao nhất các quốc gia thành viên và thúc đẩy hợp tác với tất cả các đối tác để khu vực sông Mê Kông - Lan Thương trở thành dòng sông của những nền văn hóa giàu bản sắc và kết nối, của tình hữu nghị và hợp tác, hội nhập và phát triển.
Kim Bảo (T/H)