|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu thủy sản: Không để trễ nhịp so với cơ hội thị trường

Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm 33,6% và dự báo tiếp tục giảm trong tháng 9. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực như Mỹ, EU, Nhật... đang khôi phục, nhu cầu cao khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản sẽ chưa thể phục hồi trong tháng 9

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, tháng 8/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 123 nghìn tấn, trị giá 600 triệu USD, giảm 33,6% về lượng và giảm 26,35% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản bị tác động mạnh sau khi chững lại trong nửa cuối tháng 7/2021 khi dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành phía Nam, thủ phủ sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước buộc phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 1,283 triệu tấn, trị giá 5,578 tỷ USD, tăng 4,19% về lượng và tăng 7,14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản có nhiều khởi sắc

8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động 3 tại chỗ, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản. Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao, nên tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn đạt trên 5,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7% đạt 980 triệu USD.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.

Còn với các doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ cuối tháng 7/2021, dịch bệnh lan từ TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây thì các doanh nghiệp ngành này hứng chịu đầu tiên, có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%.

VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chưa thể phục hồi trong tháng 9/2021.

Không để trễ nhịp so với cơ hội thị trường

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi sau khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt nhờ nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU… tăng mạnh khi tỷ lệ tiêm vắc xin cao, khả năng phục hồi và mở cửa nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn. Để đảm bảo cho ngành thủy sản phục hồi sau dịch, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi trồng và chế biến là cấp thiết.

Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và một số công ty, hiệp hội sản xuất, kinh doanh thủy sản diễn ra ngày 4/9, ông Bùi Bá Sự - Phó Tổng giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Việt - Úc - nhận định, các thị trường Mỹ, EU và Nhật đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu thủy sản, cụ thể là tôm cũng tăng cao. Đây là cơ hội để người nuôi và các doanh nghiệp cùng tăng tốc. Để tận dụng cơ hội thị trường, ông Bùi Bá Sự đề xuất tiêm vắc xin cho người lao động ngành thủy sản. Những người được tiêm từ 1 mũi trở lên sau 14 ngày được phép đi lại, sản xuất bình thường. Việc này sẽ giúp các nhà máy sớm khôi phục sản lượng, thông suốt trong cả tiêu thụ lẫn thu mua đầu vào.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua. Từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nhận định, để nuôi tôm tới khi thu hoạch phải mất khoảng 3 tháng, do đó nếu không khẩn trương thì không còn có cơ hội xuống giống vụ tôm thu hoạch vào cuối năm. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8,8 tỷ USD, cần khắc phục nhanh những khó khăn trước mắt và tận dụng triệt để cơ hội thị trường trong dịp Noel và năm mới sắp tới. Bộ NN&PTNT sẽ vào cuộc để giải quyết vấn đề thu mua, sản xuất và vận chuyển, không để xảy ra tình trạng nhà máy ngừng hoạt động. Ông Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ NN&PTNT phải theo dõi các quy luật tiêu thụ hàng năm để đưa ra được kịch bản sản xuất phù hợp.

VASEP dự báo, với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc xin, các công ty không phải sản xuất 3 tại chỗ, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được xuất khẩu khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9 - 4,0 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, xuất khẩu hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.

Nguyễn Hạnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết