Phát triển ngành CN Dầu khí dưới tác động BĐKH và năng lượng thay thế [Kỳ 1]
- Thế giới đang phải đương đầu với thách thức lớn khi cần nhiều năng lượng hơn cho sự tăng trưởng nền kinh tế, nhưng đồng thời phải cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Thách thức đó đòi hỏi cần phải tìm kiếm dạng năng lượng mới mang tính ưu việt hơn. Đây cũng là thách thức trong việc duy trì phát triển ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Việc khẳng định rõ vị thế ngành Dầu khí Việt Nam trong tình hình mới, đặc biệt khẳng định vai trò chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, tạo nền tảng động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác là rất quan trọng.
Chuyển đổi số - các công ty dầu khí mau chóng nắm bắt quyền lực mới
Kỳ 1: CÔNG NGHIỆP DẦU KHÍ TRONG XU THẾ CHỐNG LẠI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU
THÁI BÁ NGỌC - NGUYỄN XUÂN HUY [*]
Ảnh hưởng của giá dầu đến ngành dầu khí:
Giá dầu được điều tiết bởi nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp. Hai yếu tố này chịu sự tác động trực tiếp từ sự thay đổi của các nền kinh tế, thay đổi chính trị, chiến tranh, thiên tai, đại dịch hay sự phát triển của các loại năng lượng thay thế. Nhìn vào lịch sử phát triển trong gần 40 năm của ngành công nghiệp dầu khí thế giới có thể chia ra thành 3 giai đoạn chính (Hình 1):
- Giai đoạn thứ nhất 1986 - 2004, giá dầu có xu hướng đi ngang, dao động khoảng dưới 40 $/thùng, được duy trì ổn định trong khoảng thời gian dài.
- Giai đoạn thứ hai 2004 - 2009, giá dầu từ mốc 40 $/thùng vào đầu tháng 6 năm 2004 tăng liên tục và ghi nhận mức đỉnh tại 140 USD/thùng vào ngày 2 tháng 6 năm 2008, sau đó lại rớt mạnh còn 40 $/thùng vào đầu năm 2009.
- Giai đoạn thứ ba 2009 - 2020, biến động của giá dầu xảy ra mạnh hơn, diễn ra trong thời gian ngắn và có xu hướng giảm ngày càng hiện rõ. Trong vòng 6 năm (2009 - 2014) giá dầu luôn ở mức trên 60 $ và từ 2015 trở đi giá dầu rớt xuống dưới 60 $/thùng, đặc biệt trong tháng 3 và 4 năm 2020 giá dầu rớt xuống dưới 20 $/thùng do ảnh hưởng Covid-19 lan rộng và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hình 1. Sự biến động của giá dầu thô trong giai đoạn 1981 - 2021.
Sự tăng trưởng của giá dầu trong giai đoạn 2 có ảnh hưởng mạnh mẽ từ nhu cầu tiêu thụ dầu thô gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc. Trong khi đó, sự khủng hoảng giá dầu trong giai đoạn 3 lại đến từ yếu tố thừa nguồn cung, chính yếu tố này đã thay đổi hoàn toàn thị trường tiêu thụ dầu khí đã tạo ra cuộc khủng hoảng giá dầu trong năm 2015. Công nghệ nứt vỉa thủy lực khai thác dầu trong đá phiến sét phát triển tại Mỹ đã làm xung đột thị trường lan rộng giữa những quốc gia nắm giữ nguồn cung dầu thế giới bao gồm OPEC và các quốc gia ngoài OPEC:
- Sụt giảm sản lượng năm 2008: Hàng loạt các sự kiện xảy ra làm sản lượng dầu thô bị sụt giảm nghiêm trọng đẩy giá dầu đi lên đỉnh vào giữa năm 2008. Các sự kiện này có thể liệt kê gồm quốc hữu hóa các công ty dầu khí trong nước ở Venezuela, sản lượng khai thác ở Iraq giảm do chiến tranh, đình công và các cuộc tấn công khủng bố vào cơ sở sản xuất dầu ở Nigeria, sụt giảm sản lượng ở Mexico. Giá dầu đi lên và đạt đỉnh 147 $ vào tháng 7 năm 2008 [1].
- Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008: Khủng hoảng kinh tế và tài chính diễn ra sâu rộng vào giữa cuối 2008 đã dẫn đến giá dầu rớt sâu chỉ trong vài tháng ngắn, từ 147 $/thùng xuống dưới mức 32 $/thùng vào đầu tháng 2 năm 2009. Tuy nhiên, đã khôi phục lại mức 95 $ vào năm 2011 khi các nền kinh tế phục hồi.
- Công nghiệp khai thác dầu đá phiến ở Mỹ: Bắt đầu phát triển nhanh từ năm 2010, đẩy sản lượng dầu và khí tăng 57% trong vòng 1 thập kỷ qua nhờ sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả chi phí của nền công nghiệp đá phiến sét tại Mỹ. Công nghệ bắn mở vỉa thủy lực thành công đã đưa nước Mỹ từ một nước nhập khẩu trở thành cường quốc sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Vào thời đỉnh điểm, chỉ riêng sản lượng khai thác trong bồn trũng Permian khu vực Texas và New Mexico đã hơn nhiều bất kỳ một quốc gia thành viên nào của OPEC. Nguồn cung dồi dào khiến giá dầu giảm xuống từ 87 $ (đầu năm 2010) xuống 51 $ (năm 2020).
- Năm 2020: Dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu đã đình trệ các hoạt động sản xuất, dẫn tới dư thừa nguồn cung. Giá dầu thế giới rớt xuống dưới mức 20 $ vào quý 1 năm 2020. Bước vào 2021, một số nước đã khôi phục hoạt động sản xuất sau khi có vaccine phòng ngừa, nhu cầu tiêu thụ và giá dầu tăng lên mức 70 $ vào giữa 2021. Giá dầu được dự báo có thể lên đến 85 USD/thùng, thậm chí 100 USD/thùng trong những tháng tới.
Trong khi nguồn dầu dự trữ, nguồn cung dầu trên thế giới là rất lớn, việc bắt tay thỏa thuận giữa các nước trong khối OPEC nói riêng và với một số nước không thuộc OPEC để điều chỉnh sản lượng dầu khai thác nhằm ổn định giá dầu trên thị trường theo hướng có lợi cho các nước xuất khẩu dầu khí. Trong giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu khí của thế giới tăng ổn định theo đúng quy luật cung cầu của nền kinh tế tự do.
Nga và Hoa Kỳ là hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất không thuộc OPEC. Hoa Kỳ là một nền kinh tế tự do sẽ rất khó bắt tay với các nước để phá vỡ quy luật cung - cầu và giá cả. Công nghệ khai thác dầu khí trong đá phiến sét đã tiến bộ nhanh chóng, là công cụ hỗ trợ cơ động trong việc điều chỉnh hoạt động sản lượng khai thác để đáp ứng nguồn cung kịp thời. Sản lượng dầu khí có thể gia tăng ồ ạt trong một thời gian ngắn để tự điều chỉnh cân bằng giá dầu trở về mức bình thường so với nhu cầu thị trường.
Ảnh hưởng của sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến biến đổi khí hậu:
Các quốc gia trên thế giới đã ký Thỏa thuận chung Paris vào năm 2015 nhằm thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu chi phối các biện pháp cắt giảm phát thải Cacbon Dioxide từ năm 2020. Những thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đặt ra sự đồng thuận toàn cầu về sự cần thiết phải hạn chế con người gây ra biến đổi khí hậu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững [2]. Tuy nhiên, việc giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng phải theo đuổi phù hợp trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, tôn trọng quyền con người và đảm bảo hòa nhập xã hội.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu chỉ ra rằng: Về cơ bản cần phải chuyển đổi các hệ thống năng lượng ra khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch để duy trì các giới hạn do Thỏa thuận Paris 2015 đặt ra. Đến năm 2030, lượng khí thải carbon toàn cầu phải được cắt giảm một nửa so với mức hiện tại để hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1,5°C [3]. Lượng phát thải cacbon lớn do sử dụng than đá, dầu và khí đốt sẽ gia tăng nhiệt độ trái đất nóng lên vượt quá 1,5°C sẽ khiến các quốc gia không thể đáp ứng cam kết hoàn thành các nghĩa vụ toàn cầu theo Thỏa thuận Paris (Hình 2).
Hình 2: Phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu so với mục tiêu của hội nghị Paris.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cách tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên để cung cấp năng lượng. Cho đến nay, vẫn chưa có tầm nhìn thống nhất nào để hướng dẫn các tác nhân toàn cầu chuyển dịch từ khai thác tài nguyên truyền thống sang tài nguyên tái tạo nhằm cung cấp năng lượng theo hướng dẫn đến khử cacbon sâu và giải quyết nhu cầu phát triển của các quốc gia có thu nhập thấp, hoặc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Các giải pháp sẽ đòi hỏi rất nhiều tham vọng, sự tham gia và cộng tác trong toàn xã hội, bao gồm các chính phủ, tổ chức quốc tế, xã hội và công chúng. Các công ty đầu tư khai thác dầu khí trên thế giới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch phát triển năng lượng mới. Các công ty dầu mỏ quốc tế tích hợp biến đổi khí hậu trong mô hình kinh doanh sẽ đóng vai trò chuyển dịch đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Các nhà đầu tư ngày càng có ý thức về các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu [4] với các chiến lược thoái vốn trong các dự án có liên quan sử dụng nhiên liệu hóa thạch [5]. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng nhằm cải thiện vị thế trên thị trường vốn khi đón đầu chuyển dịch sang năng lượng mới.
Các công ty dầu khí có những cơ hội quan trọng và đáng chú ý để giúp đáp ứng các mục tiêu về tiếp cận năng lượng an toàn, đáng tin cậy và hiện đại, cả trong mô hình kinh doanh cùng với các đối tác. Ở mỗi công ty trong ngành nên chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang hệ thống năng lượng không phát thải ròng (net-zero emission) trong những thập kỷ tới. Với những kế hoạch hướng tới tương lai, một số công ty dầu khí ngày nay sẽ chuyển đổi mục tiêu nhằm cung cấp một loạt các nguồn năng lượng không phát thải ròng, hoặc các nguồn năng lượng sơ cấp không phát thải carbon. Điển hình cho quá trình chuyển dịch năng lượng là tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới của Nauy, Equinor, trước đó còn tên là Statoil, đã chuyển dịch sang đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Con đường toàn cầu dẫn đến không phát thải ròng sẽ đòi hỏi mỗi công ty phải có những lựa chọn cẩn thận về các khoản đầu tư trong tương lai để tích lũy và phát triển công nghệ, triển khai các nguồn năng lượng mới. Hơn nữa, có những cơ hội quan trọng để các công ty dầu khí duy trì là đối tác chi phối với các chính phủ và các tổ chức khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai và giúp bảo vệ hành tinh.
Kỳ tới: Vai trò và sự chuyển dịch của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam trong xu thế mới
[*] KHOA KỸ THUẬT ĐỊA CHẤT VÀ DẦU KHÍ - ĐẠI HỌC BÁCH KHOA - ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
Tài liệu tham khảo
[1] The 2008 Financial Crisis and Its Effects on Gas and Oil. Investopedia,updated Jul 3, 2021. https://www.investopedia.com/ask/answers/052715/how-did-financial-crisis-affect-oil-and-gas-sector.asp
[2] The climate actions communicated in the Intended Nationally Determined Contributions (INDC) of national governments have the potential to generate mutual benefits with at least 154 of the 169 Sustainable Development Goal targets. Eliza Northrop et. al. (2016) “Examining the Alignment between the Intended Nationally Determined Contributions (INDC) and Sustainable Development Goals (SDGs)”
[3] IPCC, “Summary for Policymakers,” In: Global warming of 1.5°C. An IPCC Special Report, [V. Masson-Delmotte et al. (eds.)], World Meteorological Organization, 2018, p. 12,
[4] Extreme weather events ranked first in the World Economic Forum’s Global Risk Report for 2017. “Global Risks Report,” World Economic Forum (2017).
[5] For a history of shareholders’ engagement, see CCSI’s blog post “Shareholders Turn Up the Heat on Climate Change” (October 12, 2016). See also, “Exxon Mobil is trying to fend off a shareholder rebellion over climate change,” Washington Post (May 31, 2017).
[6] Báo cáo Triển vọng năng lượng 2019, Bristish Petroleum, địa chỉ: https://www.bp.com/content/dam/bp/business-sites/en/global/corporate/pdfs/energy-economics/energy-outlook/bp-energy-outlook-2019.pdf, truy cập 10-7-2019
[7] Báo cáo Năng lượng tái tạo 2018, Cơ quan Năng lượng quốc tế, địa chỉ: https://www.iea.org/renewables2018/, truy cập 5-7-2019.
[8] Xu huớng tại Việt Nam dữ kiện Báo cáo Hiện Trạng Năng luợng tái tạo Toàn cầu 2021, Renewables 2021 Global Status Report-ISBN 978-3-948393-03-8