|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần hoàn thiện Luật 69 để doanh nghiệp nhà nước phát triển hiệu quả hơn

Sau nhiều năm thực thi, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ không ít bất cập, dần trở thành rào cản cho đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước.

Cần hoàn thiện Luật 69 để doanh nghiệp Nhà nước phát triển hiệu quả hơn

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến đề xuất quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư, quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực này và để cán bộ được giao trách nhiệm dám làm, dám đầu tư.

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cơ bản bảo đảm mục đích, quan điểm xây dựng luật. Đến nay, giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan về cơ bản đã thống nhất nhiều nội dung lớn. Dù vậy trong quá trình hoàn thiện còn 8 vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đó là các vấn đề: về hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; về thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu có ý kiến về tiền lương, thù lao; về các nội dung người đại diện phần vốn nhà nước báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết; quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ; bảo toàn, phát triển vốn và giám sát, kiểm tra hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra cuối năm 2024, khi nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến đề xuất về những điều cấm trong hoạt động đầu tư, quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực này và để cán bộ được giao trách nhiệm dám làm, dám đầu tư.

Theo quy định tại dự thảo Luật, doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào: ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và được phép kinh doanh trong các lĩnh vực này. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức: bổ sung vốn vào doanh nghiệp; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh và đầu tư vốn thông qua dự án đầu tư.

Đối với nội dung này, cơ quan thẩm tra nhận định về quy định 8 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dù cho rằng quy định này đã cơ bản bảo đảm chặt chẽ, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị, cân nhắc không quy định các nội dung “khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư”, “vượt mức vốn đầu tư”, “không đúng nguồn vốn đầu tư”, xác định “đúng nguồn vốn đầu tư” vì đây là những quy định chỉ phù hợp các dự án đầu tư công, nếu áp dụng với doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.

Về hình thức đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo Luật chưa bao quát hết các hình thức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chưa phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Điều này, có thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. “Nếu quy định như dự thảo, doanh nghiệp sẽ lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”, cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội băn khoăn khi điều cấm về quy định hành vi “cung cấp thông tin không kịp thời” vừa quá rộng, vừa dễ dẫn đến vi phạm.

Thực tế, trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, và đến nay vẫn đang phải giải quyết hậu quả, việc này dẫn đến tâm lý e ngại trong sử dụng vốn ở nhiều doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) lập luận, dự án luật này cần quy định rõ, giải quyết được các khúc mắc hiện nay để các doanh nghiệp tự tin sử dụng vốn.

Cần hoàn thiện Luật 69 để doanh nghiệp Nhà nước phát triển hiệu quả hơn

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM), nếu không có quy định pháp lý cụ thể, cán bộ doanh nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật trong trường hợp đầu tư thua lỗ, ngay cả khi khoản lỗ đó không liên quan đến phần vốn gốc của nhà nước.

Một trong những điểm mấu chốt cần được làm rõ trong dự thảo Luật là phân biệt rạch ròi giữa phần vốn nhà nước ban đầu và phần vốn tăng thêm trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM), nếu không có quy định pháp lý cụ thể, cán bộ doanh nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật trong trường hợp đầu tư thua lỗ, ngay cả khi khoản lỗ đó không liên quan đến phần vốn gốc của nhà nước.

Một chuyên gia kinh tế nêu ví dụ, một doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng do Nhà nước cấp. Sau nhiều năm kinh doanh, doanh nghiệp tích lũy thêm 500 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại. Khi doanh nghiệp sử dụng 500 tỷ đồng tích lũy này để đầu tư dự án mới và không may thua lỗ, liệu khoản lỗ đó có bị xem là “thất thoát tài sản nhà nước”?

Nếu không có quy định rõ ràng, cán bộ thực hiện đầu tư có thể bị quy trách nhiệm gây thất thoát tài sản công, trong khi thực chất phần vốn đó đã là tài sản của doanh nghiệp, không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Nhà nước. Đây là một nghịch lý lớn, không chỉ gây tâm lý e ngại cho người quản lý mà còn làm triệt tiêu tinh thần chủ động, đổi mới và chấp nhận rủi ro trong đầu tư - yếu tố sống còn với bất kỳ doanh nghiệp nào trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng và cụ thể: Vốn nào là vốn nhà nước cần bảo toàn; Vốn nào là phần gia tăng thuộc quyền định đoạt của doanh nghiệp; Trách nhiệm pháp lý của người quản lý trong từng trường hợp đầu tư, đặc biệt khi lỗ do yếu tố khách quan thị trường.

Thực tế chứng minh, đầu tư là sẽ có lãi, có lỗ, nhưng song hành đó lại là nguyên tắc “bảo toàn vốn”, cho nên trong dự thảo Luật cần quy định kỹ, nhất là với đầu tư của phần vốn gia tăng, tích lũy. Một doanh nghiệp có thể trải qua thăng trầm, có giai đoạn lãi, lỗ, rồi lại vực dậy, do đó khi xem xét phải căn cứ nhiều yếu tố, kể cả yếu tố thị trường.

Theo dự kiến, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn đánh giá, dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết, tháo gỡ được tâm lý cho các nhà đầu tư, chưa thoát khỏi tư duy cũ. Đã đầu tư phải chấp nhận chuyện “có lỗ, có lãi”, nên doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng phải có sự linh hoạt trong hoạt động, cũng như đánh giá của cơ quan giám sát. Nếu cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải xử lý, nhưng thua lỗ do những yếu tố khách quan cần phải được xem xét.

Trao đổi với PetroTimes, TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một khung pháp lý mới minh bạch, nhất quán và phù hợp với thực tiễn để doanh nghiệp nhà nước không còn bị trói buộc trong tâm thế “xin - cho” khi muốn đầu tư, mở rộng hoặc sáng tạo. Luật mới không chỉ cần siết chặt quản lý để tránh thất thoát, tiêu cực, mà còn phải cởi trói những rào cản pháp lý đang vô hình làm triệt tiêu động lực phát triển của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.

Việc phân định rạch ròi giữa vốn nhà nước và phần vốn tích lũy từ hoạt động kinh doanh, quy định rõ trách nhiệm tương ứng với từng loại vốn, sẽ là bước đi quan trọng để bảo vệ cả Nhà nước, doanh nghiệp và cán bộ được giao trách nhiệm. Đã đến lúc luật pháp cần chuyển từ “quản lý rủi ro bằng cách tránh rủi ro” sang “quản lý rủi ro bằng cách chấp nhận và kiểm soát rủi ro”.

Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân ngày càng linh hoạt, doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nhanh nhạy, thì doanh nghiệp nhà nước không thể bị trì trệ chỉ vì những khuôn khổ lỗi thời. Việc sửa đổi Luật số 69 không chỉ là yêu cầu của thực tiễn, mà còn là một thước đo cho tư duy cải cách và năng lực thiết kế chính sách vì sự phát triển bền vững và hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

“Những bất cập của quy định hiện hành đã làm chậm, thậm chí làm mất cơ hội của các doanh nghiệp nhà nước lớn như: Vietnam Airlines hay các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Ví dụ như vấn đề tự chủ trong sản xuất kinh doanh, quyền tự quyết của doanh nghiệp chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải kịp thời lấp các “khoảng trống” pháp lý đó theo hướng tạo bước ngoặt lớn trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.

Minh Khang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết