Nhiều lợi ích khi áp thuế giá trị gia tăng với phân bón
Với đề xuất áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, các chuyên gia cho rằng, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng phân bón (nông dân) đều được hưởng lợi.
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
Khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT, xét trên nhiều góc độ như: thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu |
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong các báo cáo, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khi phân bón không thuộc diện chịu thuế, thách thức cũng rất lớn. Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân. Do đó, nhất trí với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế.
PGS.TS Ngô Trí Long: Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hợp lý
Tôi đã dự nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức nhằm tìm ra mức thuế suất hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh. Tại các cuộc hội thảo trước đó, có nhiều mức thuế suất 0%, 5%, 7% được đưa ra thảo luận, song theo ông, với mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2-3%, từ đó, có cơ sở giá bán thấp hơn, nông dân sẽ được hưởng lợi.
PGS.TS Ngô Trí Long |
Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế GTGT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, trong khi ngân sách Nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu. Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức 7-10% sẽ không thể hiện được ưu đãi của Nhà nước với ngành này.
Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón… Do đó, tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ nên sớm xem xét, sửa đổi quy định, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%.
Việc ban hành quy định này sẽ tháo gỡ được những bất cập, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành phân bón. Bên cạnh đó, thông qua áp dụng mức thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Và quan trọng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam:Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định
Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT. Rất tiếc sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… hoặc không thực hiện hoặc không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn.
TS. Phùng Hà |
Việc ban hành Luật Thuế 71/2014/QH13 mục tiêu nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể từng mục tiêu sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực chúng ta thấy chưa thực sự khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước, việc tác động đến nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp không rõ ràng, các dự án sản xuất phân bón trong nước hoàn toàn được xây dựng vào giai đoạn trước năm 2014.
Bên cạnh đó, theo Luật Thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các DN sản xuất trong nước, phát sinh những bất cập khiến nhiều DN sản xuất trong nước phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Nguyên nhân là các DN sản xuất phân bón trong nước phải cạnh tranh về giá bán khi gánh chịu chi phí thuế GTGT, trong khi lại không áp dụng với mặt hàng nhập khẩu cùng loại. Trong trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT với phân bón, phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.
Lợi ích lớn nhất khi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài |
Để góp phần tháo gỡ những bất cập như đã nêu trên, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị đề xuất sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% thay cho quy định hiện nay.
Lợi ích lớn nhất là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi DN phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân. Nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm. Nông dân mua phân bón nhập khẩu với giá cao hơn do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.
PV