|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng khả năng ứng phó cho doanh nghiệp trước các “cú sốc” bên ngoài

Khu vực doanh nghiệp thời gian qua phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, tuy vậy vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng chống chọi với các “cú sốc” từ bên ngoài còn hạn chế.

Phát triển nhanh, nhưng khả năng chống chịu còn yếu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khu vực doanh nghiệp Việt Nam và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tăng khả năng ứng phó cho doanh nghiệp trước các “cú sốc” bên ngoài
Bình quân số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020

Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước đạt 10,5%/năm, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ gia tăng số doanh nghiệp hoạt động là 15%, tăng khoảng 80% so với giai đoạn trước. Vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân trong cả giai đoạn đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/năm, tăng 82% so với bình quân cả giai đoạn 2011-2015.

Hiện cả nước có khoảng 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động toàn xã hội. Các doanh nghiệp bình quân mỗi năm thu hút khoảng 14,5 triệu lao động, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp hiện vẫn chưa phát huy được hết vai trò, tiềm năng hiện có. Đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị doanh nghiệp chưa hiện đại, chưa tiếp cận được với mặt bằng chung của thế giới, thiếu nguồn lao động có chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chưa làm chủ được các công nghệ mới và hiện đại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, chưa đáp ứng dược yêu cầu chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, khả năng chống chịu và chuyển đổi để ứng phó với các thách thức từ bên ngoài còn yếu. Trong khi đó, kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư chưa đảm bảo được mục tiêu đề ra.

Đăc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, tuy nhiên thách thức, khó khăn vẫn ngày càng chống chất, một phần do những hạn chế cố hữu của cộng đồng doanh nghiệp, một phần do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nghị quyết đưa ra những giải pháp hỗ trợ nhiều vấn đề cấp bách, ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng hơn, nếu doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời.

Tăng khả năng ứng phó cho doanh nghiệp trước các “cú sốc” bên ngoài
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Sẽ có Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025

Nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp phát huy hết tiềm năng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo đặt ra một số chỉ tiêu và mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề để bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và lớn mạnh về quy mô. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, lũy kế có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó khoảng 710 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021-2025; khoảng 70 doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán trên 1 tỷ USD; 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD; 35-40% số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% doanh nghiệp được tiếp cận chuyển đổi số, trong đó 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số; trung bình mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ giải pháp về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; Thứ hai, là nhóm nhiệm vụ giải pháp kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; Thứ ba, nhóm nhiệm vụ giải pháp về hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính; Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; Thứ năm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp, đào tạo tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề lao động, lĩnh vực kinh doanh mới; Thứ sáu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường liên kết doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị; Thứ bảy, hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn; Thứ tám, giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn như Nghị quyết 105/NQ-CP, dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng được đánh giá là sự chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Nguyễn Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết