3 vấn đề NĐT cần quan tâm trên thị trường chứng khoán hiện nay
Tại tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" các chuyên gia đã đưa ra góc nhìn về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán FiinGroup đề cập tới 3 vấn đề cần quan tâm về thị trường chứng khoán hiện nay, gồm thanh khoản và dư nợ margin, định giá thị trường và dòng tiền khối ngoại.
Thị trường đã xuất hiện nhiều cổ phiếu có định giá về vùng thấp/hấp dẫn trong khi triển vọng lợi nhuận 2023 của một số nhóm ngành vẫn được đánh giá tích cực. hình minh họa |
Đầu tiên là thanh khoản và dư nợ margin. VN-Index giảm khoảng 30% từ đỉnh, thanh khoản bình quân cũng đã giảm 60%. Với mặt bằng thanh khoản trong khoảng 4-5 tháng gần đây, bà Vân cho rằng thanh khoản đang đi tìm mặt bằng ổn định mới, là điểm tích cực, khi dư nợ margin giảm sâu.
“Có khoảng 80% lượng margin cấp 2021 đã thu hồi trong 2022. Còn nhà đầu tư cá nhân bán khoảng 80% lượng mua ròng trong năm 2021. Như vậy có thể thấy, thanh khoản hiện tại thấp nhưng chất, khi không bị chi phối nhiều bởi dòng tiền rẻ hay sử dụng đòn bẩy cao, như giai đoạn 2020-2021”, bà Vân lý giải.
Tiếp theo là định giá thị trường. Với các đợt sụt giảm mạnh về giá cổ phiếu trong 2022, mặt bằng định giá toàn thị trường cũng đã giảm. Tuy nhiên, mặt bằng định giá đã tăng lên đáng kể sau khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý IV và ảnh hưởng từ kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt.
Dù vậy, mức P/E toàn thị trường đang ở mức tương đối thấp (11,8x) nhờ đóng góp lớn về lợi nhuận từ khối ngân hàng. Bởi nhóm ngân hàng trong năm 2022 đóng góp hơn 45% tổng lợi nhuận toàn thị trường, trong khi năm 2021 chỉ đạt 35%.
Bà Đỗ Hồng Vân |
Với ngành bất động sản, có đóng quy mô lớn về lợi nhuận và vốn hoá trong khối phi tài chính, P/E đang hướng về vùng đáy giai đoạn 2015 đến nay là 13-14 lần. Nhưng hiện nay ngành đang đối mặt 3 thách thức lớn: Mặt bằng lãi suất cao, áp lực đáo hạn trái phiếu, vấn đề pháp lý.
"Theo tính toán, giả sử lợi nhuận năm 2023 của khối phi tài chính giảm 10% thì định giá tăng từ 15,6 lên 17,5 lần. Nếu lợi nhuận giảm 20% thì P/E có thể tăng đến 19,5 lần. Mức định giá này tương đương mức đầu năm 2022 khi VN-Index tạo đỉnh. Điều này có nghĩa mức định giá này thấp nhưng chưa thực sự rẻ", chuyên gia nêu quan điểm
Bên cạnh đó, bà Đỗ Hồng Vân cũng nhấn mạnh rằng thị trường đã xuất hiện nhiều cổ phiếu có định giá về vùng thấp/hấp dẫn do giá chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giảm chung trong khi triển vọng lợi nhuận 2023 của một số nhóm ngành vẫn được đánh giá tích cực.
Về dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài, lực mua ròng mạnh của khối ngoại trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ mạnh cho sự hồi phục của nhóm ngành thép, ngân hàng; trong đó đóng góp lớn là từ các quỹ ETF, quỹ chủ động. Tuy nhiên lực mua ròng đang yếu dần đi, dòng tiền từ quỹ ETF cũng hạ nhiệt; tỷ trọng tiền mặt của các quỹ chủ động sau khi tăng rất mạnh vào tháng 10/2022 đã giảm.
Nhận định chung về triển vọng thị trường, bà Vân cho rằng có 3 điểm tích cực. Một là hầu hết rủi ro vĩ mô đã nhận diện và phản ảnh vào giá cổ phiếu. Hai là rủi ro nội tại của thị trường liên quan đến giải chấp, thanh khoản đã giảm đi đáng kể. Ba là thị trường khởi đầu năm 2023 với nền định giá ở mức thấp, trái ngược với 2022.
Theo chuyên gia của FiinGroup, mặc dù có những ngành triển vọng lợi nhuận chưa phản ánh vào định giá nhưng đã có những cổ phiếu về vùng rất thấp, khá hấp dẫn khi triển vọng lợi nhuận vẫn tích cực, do các cổ phiếu này bị giảm quá đà khi thị trường chung điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên vẫn còn những rủi ro cần theo dõi, đó là tốc độ giảm của lãi suất, diễn biến lạm phát trong nước và thế giới hay diễn biến dòng tiền khối ngoại.
3 lựa chọn đầu tư cổ phiếu 2023
Dựa trên đánh giá về triển vọng lợi nhuận năm 2023 cũng như diễn biến giá và định giá theo ngành, chuyên gia FiinGroup đưa ra 3 lựa chọn.
Thứ nhất, ngân hàng, CNTT, Điện, BĐS KCN. Đây là những ngành có tăng trưởng lợi nhuận được dự kiến duy trì trong năm 2023. Mặt khác, định giá của những nhóm này cũng đã về vùng thấp trong lịch sử với giá chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giảm chung của thị trường.
Thứ hai, vật liệu xây dựng, nước, dược phẩm. Những nhóm cổ phiếu này này được kỳ vọng sẽ có đột phá về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023. Triển vọng lợi nhuận tích cực sẽ hỗ trợ cải thiện định giá của cổ phiếu, tạo dư địa tăng về giá.
Thứ ba, thép. Nhóm thép là nhóm được dự báo có triển vọng lợi nhuận 2023 kém tích cực, song đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, vẫn cần thêm yếu tố hỗ trợ khác để giúp cho doanh nghiệp có sự đảo chiều về kết quả kinh doanh.
Khánh Vân