Chứng khoán đón dòng tiền mới
Dòng tiền tham gia trên thị trường chứng khoán hiện nay chủ yếu là tiền mặt, thay vì vốn vay nên rủi ro bán tháo do áp lực giải chấp cũng được hạn chế.
Thị trường chứng khoán đang có thanh khoản tốt. Ảnh: Lê Toàn
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong một nhịp đi lên bền bỉ, VN-Index tăng 8 tuần liên tiếp, ghi nhận chuỗi dài nhất kể từ giai đoạn đầu tháng 11.2020 đến giữa 1.2021. Mặc dù áp lực chốt lời gia tăng mạnh tại vùng đỉnh 3 năm, nhưng dòng tiền dồi dào vẫn đang giữ thị trường vững vàng trên mốc 1.300 điểm.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện rõ rệt, với giá trị giao dịch bình quân hàng ngày vượt 20.000 tỉ đồng/phiên, tăng 20 - 30% so với trung bình cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, dòng tiền nhìn chung vẫn duy trì mạnh mẽ, bất chấp những lo ngại về khả năng điều chỉnh ngắn hạn.
Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 90% thanh khoản giao dịch hàng ngày, phản ánh vai trò áp đảo của dòng tiền nội trên thị trường. Trong bối cảnh khối ngoại thu hẹp đà bán ròng, nhưng chưa quay lại mua ròng đáng kể, xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền nội.
Dữ liệu thị trường và khảo sát cho thấy, tỉ lệ giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán lớn vẫn ở mức thấp, trong khi hoạt động cho vay ký quỹ không chính thức còn rất hạn chế so với giai đoạn trước khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động vào năm 2022. Điều này cho thấy, phần lớn dòng tiền hiện tại vẫn là vốn tự có, với tâm lý đầu tư và tích lũy, thay vì đầu cơ, giúp giảm rủi ro chốt lời ngắn hạn hoặc bán tháo do áp lực giải chấp.
Nhìn lại quãng thời gian trong năm 2024, phần lớn margin của các công ty chứng khoán chủ yếu tập trung ở nhóm “dealer” hay các cổ đông lớn, nhưng sau giai đoạn thanh khoản đã tăng mạnh trở lại kể từ tháng 2.2025, thì lượng margin đã hạ nhiệt và margin có xu hướng dịch chuyển dần sang các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đồng thời, tỉ lệ margin vẫn ở mức thấp cho thấy, các nhà đầu tư chủ yếu vẫn sử dụng nguồn vốn tự có của mình, và đây là hiện tượng thường diễn ra tương tự như mới bắt đầu giai đoạn đà tăng 2020-2021 khi lượng tiền nhàn rỗi gửi tại các ngân hàng rất lớn trong năm 2024. Ngoài ra, với lãi suất huy động đang ở mức thấp tại các ngân hàng như hiện nay, giới đầu tư cho rằng, dòng tiền gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục dịch chuyển sang thị trường chứng khoán khi mức sinh lợi thị trường vẫn đang hấp dẫn hơn.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, trong bối cảnh thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao mà không phụ thuộc nhiều vào margin, cho thấy dòng tiền tham gia chủ yếu là tiền mặt thay vì vốn vay. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh tâm lý thận trọng cao của nhà đầu tư thay vì hoạt động đầu cơ ngắn hạn. Nhờ đó, rủi ro bán tháo do áp lực giải chấp cũng được hạn chế, yếu tố thường xuất hiện khi thị trường tăng nóng nhờ đòn bẩy tài chính.
Thị trường chứng khoán sẽ có những nhịp điều chỉnh, tuy nhiên xác suất giảm mạnh là không cao, do vẫn còn lượng tiền lớn chờ đợi cơ hội tham gia. Hơn nữa, dù nhiều nhóm ngành đã phục hồi đáng kể, mặt bằng giá cổ phiếu vẫn cách xa đỉnh năm 2022 và định giá một số nhóm ngành lớn trên thị trường vẫn ở mức chấp nhận được, trong khi triển vọng tăng trưởng EPS năm 2025 cao, có thể vượt mức kỳ vọng 18 - 20%.
Năm nay, Chính phủ thể hiện quyết tâm cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, với nền kinh tế đang phục hồi rõ nét. Bên cạnh đó, dòng tin tức tích cực cũng tiếp tục lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Đây là những lý do để nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh nhằm tích lũy cổ phiếu cho chu kỳ tăng trưởng sắp tới.