Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, Dow Jones “bốc hơi” 269 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ kết phiên 8/6 trong sắc đỏ sau hai phiên tăng liên tiếp khi nhà đầu tư nhận thấy nhiều dấu hiệu về khả năng suy thoái kinh tế đang đến gần.
Hình minh họa. |
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 269 điểm, tương đương 0,81%, và kết phiên gần 32.911 điểm. S&P 500 sụt 1,08% và đóng cửa ở gần 4.116 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 0,73%.
Thị trường đi xuống khi nhà đầu tư đón nhận nhiều thông tin tiêu cực từ các doanh nghiệp lớn cũng như các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Cổ phiếu giao dịch tại Mỹ của Credit Suisse giảm 1% sau khi ngân hàng Thụy Sỹ này cảnh báo nguy cơ thua lỗ trong quý II do chính sách tiền tệ thắt chặt và cuộc xung đột ở Ukraine. Cổ phiếu Intel sụt 5,3% sau khi ban lãnh đạo công ty sản xuất chip này cảnh báo nhu cầu sản phẩm bán dẫn sẽ suy yếu.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4,1% xuống còn 2,9%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% đạt được trong năm 2021.
Mô hình dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta cho thấy nền kinh tế Mỹ quý II sẽ chỉ tăng trưởng 0,9%, giảm đáng kể so với dự báo 1,3% của tuần trước. Biểu đồ dưới đây cho thấy GDP quý I của Mỹ đã tăng trưởng âm. Nếu triển vọng kinh tế tiếp tục xấu đi và GDP quý II cũng đi xuống, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vì GDP giảm hai quý liên tục.
Hiệp hội Ngân hàng cho vay thế chấp (MBA) cho biết nhu cầu với các khoản vay thế chấp mua nhà trong tuần trước giảm 6,5% và rơi xuống mức thấp nhất trong 22 năm qua, một dấu hiệu nữa cho thấy người dân đang lo kinh tế sắp suy thoái. Lãi suất với các khoản vay thế chấp mua nhà đang dần tăng lên.
Ông Matthew Luzzetti, Trưởng nhóm kinh tế Mỹ tại ngân hàng Deutsche Bank, từng dự đoán suy thoái sẽ xảy ra vào cuối năm 2023. Hôm 8/6, ông nhận định nguy cơ suy thoái sẽ tăng lên trong các tháng tới.
“Kết luận chính của chúng tôi là xác suất xảy ra suy thoái nhiều khả năng sẽ ngày càng cao trong nửa cuối năm nay, khi các điều kiện tài chính thắt chặt”, ông Luzzetti viết.
Ông Mohamed El-Erian, Giám đốc tư vấn kinh tế của tập đoàn tài chính Allianz, cho rằng khi Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ có tác động lớn hơn tới giá cổ phiếu.
Những biến động trên thị trường trái phiếu có thể đã gây tổn hại tới tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu khi lợi suất Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm quay lại trên mốc 3%. Giá tài sản tài chính nói chung thường biến động ngược chiều với lợi suất.
Giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao tháng 8 vọt lên mức 123,76 USD/thùng, giá dầu WTI cũng đạt 122,38 USD/thùng. Thống kê dưới đây cho thấy cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất tăng giá trong chỉ số S&P 500 phiên 8/6. Trước đó vào phiên 7/6, nhóm năng lượng cũng tăng vượt trội.
Chỉ số phụ ngành năng lượng của S&P 500 hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
Một số cổ phiếu Trung Quốc giao dịch tại Mỹ như JD.com và Pinduoduo nhảy vọt lần lượt 7,7% và 9,7%.
So với đầu năm, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đang thấp hơn đáng kể. Nasdaq Composite chìm sâu trong thị trường gấu, S&P 500 cũng rơi vào vùng điều chỉnh.
Khánh Vân