Chứng khoán Mỹ đổi màu, dòng tiền tăng trở lại sau lệnh trừng phạt Nga của phương Tây
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sốc đầu phiên 24/2 nhưng rồi đồng loạt hồi phục mạnh khi nhà đầu tư bớt lo ngại về cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và lao vào bắt đáy.
Chứng khoán Mỹ ngày 24/2/2022 ghi nhận chỉ số Dow Jones ở đáy của phiên mất tới 859 điểm nhưng đóng cửa lại tăng 92 điểm. Tương tự, chỉ số S&P 500 có lúc giảm 2,6% nhưng đóng cửa xanh 1,5%, như thể hiện trong biểu đồ trên. Nasdaq Composite kết phiên tăng 3,3% dù trước đó giảm tới 3,5%.
Bất chấp pha đảo chiều ngoạn mục, S&P 500 vẫn chưa thoát khỏi vùng điều chỉnh, tức là vẫn thấp hơn trên 10% so với đỉnh thiết lập hôm 3/1 năm nay.
Nasdaq Composite có lúc bước chân vào thị trường gấu (giảm hơn 20% so với đỉnh tháng 11 năm ngoái) nhưng sau đó phục hồi. Biểu đồ dưới đây cho thấy, Nasdaq vẫn còn kém xa mức đầu năm 2022.
Giá dầu thô Brent có lúc vọt lên 105 USD/thùng nhưng sau đó hạ nhiệt còn khoảng 99 USD. Tương tự, giá dầu thô WTI cũng không giữ được mức đỉnh trước đó. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong chỉ số S&P 500 kết phiên trong sắc đỏ.
Theo CNBC, nhà đầu tư xuống tiền bắt đáy nhiều cổ phiếu công nghệ lớn trong phiên biến động 24/2. Amazon, Netflix, Alphabet và Microsoft đều đóng cửa trên tham chiếu sau khi giảm sốc đầu phiên.
Netflix đóng cửa vọt lên 6,1%, Microsoft thêm 5,1%, Alphabet và Meta Platforms tăng lần lượt 4% và 4,6%. Biểu đồ sau đây cho thấy công nghệ là nhóm đóng góp tích cực nhất vào đà tăng của thị trường trong phiên vừa qua.
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ áp hàng loạt lệnh trừng phạt mới đối với Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội xâm lược Ukraine. Mục đích của các biện pháp trừng phạt này là cô lập nước Nga khỏi nền kinh tế thế giới.
Nhà Trắng cũng quyết định điều thêm quân đến Đức trong bối cảnh các thành viên NATO tìm cách củng cố hệ thống phòng thủ ở châu Âu.
"Hôm nay tôi quyết định áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay và các giới hạn mới đối với hoạt động xuất khẩu sang Nga. Các chính sách này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế Nga cả trong trước mắt lẫn dài hạn", ông Biden nói.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin ngày 24/2 tuyên bố: "Nga vẫn là một phần của nền kinh tế thế giới. Chúng tôi sẽ không gây tổn hại cho hệ thống kinh tế thế giới khi mà chúng tôi cũng là một phần trong đó".
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thể hiện dưới đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2021 là khoảng 1.600 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm duy trì dưới mức 2% khi nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào tài sản an toàn. Giá bitcoin cũng hồi phục sau khi giảm sâu, tương tự cổ phiếu.
Chỉ số biến động Cboe, một thước đo tâm lý sợ hãi của Phố Wall, có lúc tăng vọt lên trên 37 điểm trong phiên 24/2 nhưng sau đó giảm còn khoảng 30 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số European Stoxx 600 đại diện toàn châu Âu sụt 3,3%. Chỉ số DAX của Đức và FTSE của Anh giảm lần lượt 4% và 3,9%.
Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF, một quỹ giao dịch tại Mỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp lớn của Nga, lao dốc 19% trong một phiên.
Ông Dennis DeBusschere, Giám đốc chiến lược thị trường của công ty nghiên cứu 22V Research, nhận định: "Cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện nay kéo dài trong bao lâu sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới lạm phát, các điều kiện tài chính và tăng trưởng kinh tế".
Việc giá dầu tăng khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ sẽ kéo theo giá nhiên liệu và chi phí sản xuất lên cao, khiến cho nỗ lực chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thêm khó khăn. Thị trường chứng khoán Mỹ đang dự báo Fed chắc chắn sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 15-16/3 tới đây để hạ nhiệt lạm phát đang ở đỉnh 40 năm.
Thu Thủy