Chứng khoán Mỹ “lao dốc” mạnh, Dow Jones mất gần 500 điểm
Chứng khoán Mỹ phiên 28/6 lao dốc mạnh khi số liệu kinh tế tiêu cực hơn dự báo, xóa sạch mức tăng đầu phiên khi thị trường không thể duy trì đà phục hồi.
Hình minh họa |
Kết thúc phiên giao dịch 28/6, chỉ số Dow Jones rớt 491,27 điểm (tương đương 1,56%) xuống 30.946,99 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 2,01% xuống 3.821,55 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 3% còn 11.181,54 điểm.
Trong ngày hôm qua, có thời điểm chỉ số Dow Jones tăng tới 446,83 điểm, tương đương với 1,4%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,2% và 1%. Tuy nhiên, các chỉ số chính đảo chiều, đi xuống sau khi một số dữ liệu kinh tế không đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư được công bố.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của The Conference Board giảm từ 103,2 điểm trong tháng 5 xuống 98,7 điểm trong tháng 6, thấp hơn dự báo 100 điểm. Dữ liệu “đáng thất vọng” này được công bố trong bối cảnh quan ngại suy thoái liên tục gia tăng thời gian gần đây, khi Fed thể hiện sự quyết tâm trong việc kéo giảm lạm phát thông qua các đợt tăng mạnh lãi suất.
The Conference Board cũng cho biết kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ ở mức 8% trong tháng 6, cao nhất từ khi dữ liệu được thu thập vào tháng 8/1987.
“Hiện tại, nền kinh tế đang ở trên một điểm uốn, nơi chi tiêu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế vẫn rất tích cực, trong khi đó, niềm tin tiêu dùng, và điều kiện tài chính (đặc biệt là lãi suất) cho thấy nền kinh tế sẽ đi chậm lại trong thời gian tới”, theo Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance. “Nếu chúng ta tránh được một cuộc suy thoái, thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu hồi phục, nhưng nếu suy thoái xảy ra, chúng ta nên chuẩn bị tâm lý rằng thị trường vẫn chưa chạm đáy”, ông nói.
Một ngày trước đó, chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ. Nhà đầu tư vẫn đang tích cực “dò đáy” thị trường, với hy vọng đà tăng điểm ấn tượng trong tuần trước sẽ tiếp tục nối dài, dù không xuất hiện một động lực nổi bật nào giúp thị trường đi lên một cách bền vững.
“Cái khó ở đây chính là việc chúng ta phải phân biệt được đâu là những giai đoạn tăng điểm giải tỏa trong thị trường giá xuống và đâu là điểm đánh dấu sự hồi phục bền vững của thị trường”, theo Chris Verrone, Chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Strategas.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ giảm điểm sau khi dữ liệu niềm tin tiêu dùng được công bố. Giá cổ phiếu của Bath & Body Works giảm 5,8%, Lowe giảm 5,2%, Home Depot và Macy đều giảm hơn 4%. SPDR S&P Retail ETF giảm 3,7%.
Giá cổ phiếu của Nike giảm 7% sau khi công ty công bố dự báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng trong quý hiện tại do những khó khăn liên quan tới dịch bệnh tại Trung Quốc.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất chip giảm điểm mạnh nhất, với giá cổ phiếu của Nvidia giảm 5,3%, Advanced Micro Devices giảm 6,2%, Marvel giảm 4,9%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Qualcomm tăng 3,5% sau khi một chuyên gia dự báo Apple sẽ sử dụng các mẫu chip của công ty này trong sản phẩm iPhone 2023.
Trong ngày 28/6, Trung Quốc rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh xuống còn 7 ngày. Nhóm cổ phiếu du lịch tăng điểm sau khi thông tin này được công bố. Wynn Resorts tăng 3,2%.
Nhóm hàng không đầu tiên tăng điểm nhưng sau đó đảo chiều, giảm điểm theo xu hướng chung của toàn thị trường.
Tương tự, giá cổ phiếu của Disney tăng sau khi công ty này thông báo Disneyland Thượng Hải sẽ mở cửa đón khách trở lại trong tuần này, nhưng chốt phiên giảm điểm.
Khánh Vân