• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia lý giải hiện tượng thanh khoản thị trường cơ sở sụt giảm

Chuyên gia cho rằng, một số chính sách, hành động từ phía cơ quan quản lý làm rất mạnh mẽ trong thời gian qua để thị trường tài chính, thị trường bất động sản minh bạch hơn, cũng tác động đưa dòng tiền chảy có “trật tự” hơn.

4848-ttck-55

Chuyên gia lý giải hiện tượng thanh khoản thị trường cơ sở sụt giảm. Hình minh họa.

Chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 22, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh Hội sở CTCK SSI nhìn nhận, thị trường chứng khoán như mảnh đất màu mỡ trong năm 2020-2021, mang lại vụ mùa bội thu thì đến thời điểm hiện nay cần được bình lặng, xới tạo lại đất.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI đánh giá, năm nay tương đối khó khăn, nhìn lại năm 2020-2021 thị trường vẫn có những đợt giảm điểm, như trong tháng 7/2020, tháng 7/2021 nên khó có thể nói các vụ mùa trước là tốt hẳn. Còn năm nay, có nhiều đợt gió ngược, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 tình hình vẫn còn khó khăn. Tuỳ vào góc nhìn mỗi người, có người thấy cơ hội, cũng có người gặp khó khăn.

Mới đây, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý vừa công bố báo cáo hoạt động với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó quỹ VEIL của Dragon Capital tăng tỷ trọng tiền tại quỹ ở mức 5,77% ngày 5/5.

Hiện quy mô gần 2,4 tỷ USD, giá trị tiền mặt tương ứng đạt 137,8 triệu USD (khoảng 3.176 tỷ đồng) – mức tỷ trọng tiền mặt cao thứ 2 mà VEIL nắm giữ từ 2020 đến nay, sau mức 6,38% tại tháng 5/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Con số trên khiến một số bộ phận nhà đầu tư cho rằng, các nhà đầu tư tổ chức đang có góc nhìn ngày càng thận trọng hơn.

Theo ông Hưng, tỷ lệ này có thể gọi là cao nhất sau Covid nhưng cũng là trên 5% trong khá nhiều thời điểm giai đoạn vừa qua. Nếu nhìn bình diện thế giới, thì khảo sát của Ngân hàng Bank of America (BofA) gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ tiền mặt các quỹ lớn trên thế giới đâu đó cũng trên 6%, tương đồng với xu hướng thế giới.

“Nói vui thì bất cứ khi nào thị trường giảm, kể cả không làm gì thì tỷ lệ tiền mặt chúng ta tăng, vì tổng tài sản chúng ta giảm”, ông Hưng .

Liên quan đến vấn đề thanh khoản thị trường cơ sở đang rất thấp, liên tục đi dưới đường trung bình và nhỏ hơn thị trường phái sinh đang diễn ra sôi động, bà Dung cho rằng, thị trường muốn lên được cần có dòng tiền đi vào mạnh mẽ. Nhìn từ năm 2018 đến nay – từ khi có thị trường phái sinh, cứ khi TTCK cơ sở điều chỉnh thì phái sinh có sự tăng trưởng, hiện giao dịch hợp đồng phái sinh trung bình bình quân 20 phiên khoảng 322.000 hợp đồng, tương ứng khoảng 38.000 tỷ đồng giá trị danh nghĩa, tăng so với trước ở mức 137.000 hợp đồng, tương ứng 2,5 lần. Cú giảm 2018 của thị trường cơ sở, thanh khoản thị trường phái sinh cũng tăng 2,5 - 2,7 lần.

Dòng tiền giảm trên cơ sở do một phần từ phái sinh, nhưng cốt yếu hơn, là dòng tiền từ các doanh nghiệp có lượng tiền chưa thể đưa vào hoạt động kinh doanh do đại dịch Covid, thì rót vào thị trường chứng khoán trong 2 năm qua, đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán, quay lại sản xuất kinh doanh khi kinh tế phục hồi. Ngoài ra, tỷ lệ tiết kiệm người dân đang tăng lên khi lãi suất nhích lên, cũng hút bớt dòng tiền.

Bên cạnh đó, một số chính sách, hành động từ phía cơ quan quản lý làm rất mạnh mẽ trong thời gian qua để thị trường tài chính, thị trường bất động sản minh bạch hơn, cũng tác động đưa dòng tiền chảy có “trật tự” hơn.

Theo bà Dung, đây là các nguyên nhân chính lý giải cho hiện tượng thanh khoản trên thị trường cơ sở sụt giảm.

Bởi vậy, dòng tiền cơ sở giảm cũng là phù hợp, cũng bởi điều này, bà Dung cho rằng, sắp tới, thị trường thanh khoản ở khoảng 20.000 - 22.000 tỷ đồng (so với hiện nay 15.000 tỷ đồng), thay vì bùng nổ như trước là 30.000 tỷ đồng. Khi quay lại thanh khoản như vậy, thì thị trường có thể quay lại như 2019 - tức sau đợt giảm sâu có những con sóng lên và sóng xuống.

Việt Hoàng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...