• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại bức tranh tự doanh của các công ty chứng khoán 6 tháng đầu năm

Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các công ty chứng khoán, đặc biệt là mảng tự doanh. Trái ngược với năm 2021 khi tự doanh là “con gà đẻ trứng vàng” thì bước sang năm 2022, kết quả tự doanh của các công ty chứng khoán sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều công ty phải “ngậm trái đắng” lỗ nặng.

Thị trường sụt giảm, tự doanh bốc hơi

Lợi nhuận tự doanh được thể hiện ở các tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Khảo sát ở 18 công ty chứng khoán có quy mô và thị phần lớn cho thấy, doanh thu và lợi nhuận từ mảng tự doanh 6 tháng đầu năm đều giảm sâu so với cùng kỳ. Tuy nhiên có sự nổi trội bật lên ở một số công ty chứng khoán nhờ chiến lược đầu tư riêng.

Một trong những công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh thụt lùi nhất là Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Theo báo cáo bán niên 2022, lãi từ FVTPL 6 tháng đầu năm của SHS đạt 18,89 tỷ đồng, giảm 96,72% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lỗ FVTPL lên tới 360,56 tỷ đồng, tăng 767,56 do với cùng kỳ. Như vậy, lợi nhuận FVTPL nửa đầu năm của SHS là âm 361,67 tỷ đồng, giảm 163,87% so với cùng kỳ.

Ngoài SHS, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Chứng khoán APG cũng chịu cảnh tương tự. 6 tháng đầu năm, VCBS ghi nhận lãi FVTPL đạt 13,72 tỷ đồng, giảm 86,91% so với cùng kỳ, lỗ FVTPL đạt 24,94 tỷ đồng, tăng 356,77%. Lợi nhuận từ tự doanh của VCBS âm 11,22 tỷ, giảm 111,28% so với năm 2021.

Tại Chứng khoán APG (APG), lãi FVTPL bán niên 2022 đạt 25,03 tỷ đồng, giảm 46,85% so cùng kỳ. Trong khi đó, lỗ FVTPL ở mức 123 tỷ đồng, tăng tới 39577,41% so với năm 2021. Lợi nhuận từ FVTPL âm 97,97 tỷ đồng, giảm 300,43% so với cùng kỳ.

Một số công ty đứng đầu về thị phần cũng ghi nhận lợi nhuận FVTPL âm như: Chứng khoán VPS có lợi nhuận âm 85,9 tỷ đồng, âm nhiều hơn 390% so với cùng kỳ, Chứng khoán DNSE lợi nhuận âm 74,62 tỷ đồng, giảm 1.592,4% so với cùng kỳ.

Nhìn lại bức tranh tự doanh của các công ty chứng khoán 6 tháng đầu năm

Kết quả tự doanh của một số công ty chứng khoán nửa đầu năm 2022

Chiến thắng nhờ "bỏ chứng, ôm trái"

Mặc dù thì trường diễn biến ảm đạm trong nửa đầu 2022, một số công ty chứng khoán vẫn có kết quả tự doanh tăng trưởng nhờ chiến lược "bỏ chứng, ôm trái".

6 tháng đầu năm, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi nhận lãi tự doanh chứng khoán gần 480,15 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận hơn 392 tỷ đồng đến từ hoạt động bán trái phiếu. Tới cuối quý 2, danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của TCBS chủ yếu nằm ở trái phiếu doanh nghiệp. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 4,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 77% tổng giá danh mục.

Tại Chứng khoán VNDirect (VND), lãi từ tài sản FVTPL nửa đầu năm 2022 đạt 1.455,65 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Trong đó, khoản lãi lớn từ việc bán trái phiếu, đạt hơn 411,5 tỷ đồng, chiếm 94,5% lợi nhuận bán tài sản tài chính trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không phụ thuộc nhiều vào trái phiếu.

Chứng khoán Everest (EVS) lãi lớn nhờ nắm cổ phiếu NVB. Lãi từ FVTPL của EVS đạt 331,61 tỷ đồng, tăng 68,12% so với cùng kỳ. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu NVB cho lãi 192 tỷ đồng. Trừ đi chi phí lỗ FVTPL 225,54 tỷ đồng, EVS ghi nhận lợi nhuận nửa đầu 2022 dương 106,07 tỷ đồng.

Nguyễn Đăng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...